Lãi suất có xu hướng tạo đỉnh, ngân hàng nào sẽ có lợi thế về NIM?
Trong bối cảnh NHNN sát sao trong việc giảm lãi suất, chuyên gia VNDirect cho rằng ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ có ưu thế hơn về NIM.
Chiều nay (11/05/2023), CTCK VNDirect đã tổ chức diễn đàn DINSGHTS về “Triển vọng ngành ngân hàng 2023”. Trong đó, ông Phạm Thiên Quang – Giám đốc khối quản lý tài sản của VNDirect đã điểm qua các yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. Cụ thể về tín dụng và huy động.
Ông Phạm Thiên Quang – Giám đốc khối quản lý tài sản của VNDirect (Bên phải) |
Tín dụng chậm lại trong năm 2023, ngân hàng nào sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn?
Theo ông Quang, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể từ đầu năm 2023. Đến hết quý 1, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2.06% so với đầu năm và thấp hơn rất nhiều so với mức 5.97% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong bức tranh chung như vậy, thông qua thống kê các khoản mục về tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ, cũng như tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tín dụng ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2022, ông Quang nhận định những ngân hàng nào có hoạt động tín dụng đa dạng hơn (không có tỷ trọng cho vay bất động sản nhiều) sẽ được ưu tiên room tín dụng hơn trong năm 2023
Ngoài ra, ông Quang cũng dự báo những ngân hàng có chỉ số LDR (thanh khoản tốt) sẽ có lợi thế về room tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Khoảng cách cung tiền và tín dụng ngày càng nới rộng
Tăng trưởng huy động từ khách hàng cá nhân đã tăng khá mạnh, bắt đầu từ nửa cuối năm của năm 2022 và tiếp tục cho đến đầu năm nay tăng cao do lãi suất huy động tăng khá mạnh từ quý 4/2022 đến nay, dù gần đây có giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao. Có thể thấy, tiền gửi cá nhân đã quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, tiền gửi từ doanh nghiệp lại giảm khá mạnh do liên quan đến nhu cầu tiền để xử lý cũng như yếu tố tác động thanh khoản từ quý 4/2022.
Nhìn chung, tăng trưởng huy động vẫn rất chậm so với tăng trưởng tín dụng (tính đến cuối quý 1/2023) khi chỉ tăng 0.57% so với mức 1.61% của tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng nào có lợi thế trong thu hút tiền gửi?
Với bức tranh huy động trên, ông Quang đánh giá các ngân hàng vốn có truyền thống là CASA đầu ngành cao như: MBB, TCB hay VCB mặc dù có sự suy giảm nhưng vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ CASA đầu ngành trong 3 năm vừa qua và hiện tại vẫn giữ mức cao nhất.
Về lợi thế huy động, nhóm ngân hàng tư nhân nào chịu khó đầu tư về công nghệ. Đặc biệt là đầu tư Mobile app cũng như có hình ảnh về hệ sinh thái vững mạnh sẽ thu hút được nhiều khách hàng cá nhân.
Ngoài ra còn có yếu tố là huy động vốn từ các tổ chức quốc tế ngày càng quan trọng. “Mặc dù từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng có huy động vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế, nhưng đây chỉ là tác động ngắn và trung hạn, còn về lâu về dài thì huy động từ tổ chức quốc tế vẫn có vai trò quan trọng và đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra căng thẳng thanh khoản như quý 4 năm ngoái thì đây sẽ là lợi thế của các ngân hàng này”, ông Quang chia sẻ.
Khả năng tăng vốn
Bộ đệm an toàn vốn là 1 yếu tố để xét đến năng lực huy động vốn của các ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã có sự cải thiện về hệ số CAR trong những năm qua (vẫn đạt chuẩn trên 8% của NHNN) tuy nhiên vẫn còn khá “mỏng” nếu so sánh với các ngân hàng trong khu vực. Hệ số CAR trung bình của các ngân hàng Việt Nam đạt 12.6% vào cuối năm 2022. Trong số đó, các ngân hàng quốc doanh gặp trở ngại trong việc tăng vốn bởi vì tiền cổ tức luôn luôn phải trả, không được giữ lại để tăng vốn như các ngân hàng tư nhân có quyền được quyết dễ hơn.
Lãi suất có xu hướng tạo đỉnh, ngân hàng nào sẽ có lợi thế về NIM?
Ngoài EIB và STB có sự cải thiện NIM trong năm 2022 nhờ tái cơ cấu, top các ngân hàng có tiến bộ lớn về NIM bao gồm MSB, HDBank, MBB, VIB chủ yếu nhờ tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng như TPB, VPB ghi nhận NIM giảm chủ yếu là do nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp lớn trong tổng tín dụng.
Trong bối cảnh NHNN sát sao trong việc giảm lãi suất, VNDirect cho rằng, lãi suất cho vay lần này sẽ giảm tốc nhanh hơn so với lãi suất huy động. Ngân hàng có tỷ lệ CASA cao vẫn có lợi thế hơn trong bối cảnh chi phí vốn vẫn duy trì ở mức cao.
Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân lớn số ít chịu áp lực giảm lãi suất cho vay hơn. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong toàn ngành.
Khang Di
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận