"Họ” dầu khí: Lợi nhuận sụt giảm
Lợi nhuận quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp thuộc “họ” dầu khí ước tính giảm mạnh so với kế hoạch cũng như cùng kỳ năm ngoái.
Đạm Phú Mỹ: Chi phí tăng, giá bán giảm
Giá khí cho sản xuất tháng 2/2023 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) tăng 6,4%, lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 tăng 7,4% so với kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, giá thành sản xuất urê tăng 4%, NH3 tăng 6%, NPK PM tăng 26% so với kế hoạch.
Trong khi đó, giá bán các loại phân bón đều giảm, trong đó giá bán urê giảm 16% so với kế hoạch, nên lợi nhuận trước thuế tháng 2/2023 của Đạm Phú Mỹ chỉ đạt 110 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch 2 tháng và bằng 6% kế hoạch năm 2023, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2022.
Quý I/2023, Đạm Phú Mỹ ước đạt doanh thu 3.501 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 481,6 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là 3.346 tỷ đồng và 640 tỷ đồng.
Ngành phân bón có nhiều khó khăn, thách thức như giá khí tăng, giá thành sản xuất tăng, nhu cầu giảm, giá bán giảm...
Năm 2023, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới được nhận định tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của Đạm Phú Mỹ. Tỷ trọng nguồn khí nguyên liệu giá tốt mà Tổng công ty được cung cấp ngày càng giảm, giá thành sản xuất tăng cao, dẫn đến giá bán sản phẩm đầu ra khó cạnh tranh với các nhà sản xuất có đầu vào từ khí khác.
Giá bán phân bón trên thế giới đang trong xu hướng giảm, nhu cầu phân bón nội địa thấp, dẫn đến tiêu thụ khó khăn và hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp. Thuế giá trị gia tăng đầu vào cho sản phẩm phân bón chưa được khấu trừ. Sản lượng tồn kho cao làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ suy giảm chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, Đạm Phú Mỹ cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chú trọng quản trị chi phí để tiết giảm chi phí; chú trọng quản trị sản xuất để tối ưu giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng (tiết kiệm trong tiêu hao năng lượng 2 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 15,7 tỷ đồng)…
Theo báo cáo thường niên 2022 của Đạm Phú Mỹ, năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,6% và 59,6% so với thực hiện năm 2022.
PVChem: Chưa có đầu ra lớn, ổn định
Tình trạng tăng giá đầu vào của các nguyên liệu, hoá chất từ năm 2022 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ cốt lõi và cung cấp hoá chất của Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem, mã chứng khoán PVC) trong quý I/2023.
PVChem chưa có đầu ra lớn, ổn định cho các sản phẩm sản xuất của Nhà máy Cái Mép. Doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm khách hàng ngoài ngành để tiêu thụ sản phẩm và nâng cao công suất của nhà máy.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, PVChem ước đạt doanh thu 286,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng. Quý I/2023, doanh nghiệp ước đạt doanh thu 414 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6 tỷ đồng.
Đạm Cà Mau: Lợi nhuận chưa đạt một nửa kế hoạch
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) đặt kế hoạch quý I/2023 đạt doanh thu hợp nhất 2.648,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 336 tỷ đồng, kết quả thực hiện ước đạt lần lượt 2.541 và 155 tỷ đồng.
Các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao… đã tác động lớn đến giá thành sản phẩm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón suy giảm, dẫn tới giá sản phẩm tại hầu hết các khu vực điều chỉnh giảm.
Dự báo, trong những tháng tới, giá phân bón sẽ biến động khó lường, tồn kho cao, đại lý nhập hàng cầm chừng và có tâm lý đợi giá giảm thêm khi nhu cầu phân bón của nông dân vẫn thấp.
Petrosetco: Sức cầu sụt giảm
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã chứng khoán PET) ước đạt doanh thu hợp nhất 1.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 23,6 tỷ đồng trong quý I/2023, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là 4.500 tỷ đồng và 75 tỷ đồng.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrosetco và các công ty con là cung cấp dịch vụ và thương mại hàng hóa. Trong quý đầu năm 2023, nhiều mặt hàng mà doanh nghiệp phân phối có sức tiêu thụ chậm. Đặc biệt, các sản phẩm công nghệ giảm giá mạnh, sức mua thấp do lượng hàng tồn trên thị trường còn lớn. Các đại lý chủ yếu tập trung xử lý tồn đọng của năm 2022 như tồn kho, công nợ, lấy hàng gửi kho..., hạn chế việc nhập thêm hàng mới.
Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu vẫn đang chịu áp lực kể từ quý cuối năm 2022 do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thị trường lao động thiếu hụt và sức mua của người tiêu dùng giảm.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm “mong manh”, tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cùng với tình trạng căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực.
Đáng lưu ý là diễn biến bất lợi của giá hàng hóa, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ và châu Âu (2 thị trường xuất khẩu chính). Các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là thiết bị công nghệ ICT như thiết bị điện tử, laptop, điện thoại smartphone từng được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén trong giai đoạn dịch Covid-19, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề.
PTSC: Kỳ vọng vào Luật Dầu khí
Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát làm giá nguyên vật liệu tăng, chi phí vận tải cao, lãi suất tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các công tác tổ chức sản xuất - kinh doanh cũng như hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS). Số dự án mới trên thị trường trong nước và quốc tế rất ít, làm giảm cơ hội công việc và tăng mức độ cạnh tranh.
Các quốc gia ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật để bảo hộ nhà thầu nước sở tại. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác hậu cần và các vấn đề về chế độ chính sách, thủ tục khi đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Quý I/2023, PTSC ước đạt doanh thu hợp nhất 2.886 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 153 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Thuận lợi của PTSC trong thời gian tới là Luật Dầu khí sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, với nhiều nội dung mang tính đột phá, quy định chi tiết và rõ ràng, giúp rút ngắn các quy trình thẩm định, phê duyệt dự án. Trong khi đó, nhiều dự án dầu khí trọng điểm và tận thu ngoài khơi đang được thúc đẩy phát triển đồng bộ, tạo thêm cơ hội công việc cho các đơn vị dịch vụ, trong đó có PTSC.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, PTSC đang tăng cường hoạt động marketing, ký các thỏa thuận hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư và cung cấp dịch vụ; đẩy mạnh hợp tác với Singapore trong việc đầu tư, xuất khẩu năng lượng tái tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận