Hạ lãi suất, ngân hàng tập trung vốn cho kinh doanh, sản xuất
Nhiều ngân hàng vừa mạnh tay tung ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay ưu đãi, giảm từ 0,5-3%/năm cho khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, bao gồm cả vay kinh doanh bất động sản.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố các khoản vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/1/2023 có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng. Tuy nhiên, lãi suất này không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Chưa dừng ở đó, Agibank còn cho biết sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2023 để cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcomank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tung ra các gói tín dụng lớn hỗ trợ lãi suất.
Cụ thể, BIDV dành tới 130.000 tỷ đồng cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà, mua xe ô tô, tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân. Bao gồm gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng đến hết ngày 30/4/2023 và gói vay vốn trung dài hạn quy mô 100.000 tỷ đồng áp dụng đến 31/12/2023 (hoặc đến khi hết quy mô gói).
Đối với gói vay ngắn hạn, khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi từ 8%/năm cho khoản vay dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm cho các khoản vay từ 6-12 tháng.
Đối với gói vay trên 12 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất ưu đãi từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải nhân lần đầu; hoặc từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu (đối với khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn theo sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở).
Đặc biệt, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn trên 12 tháng tại BIDV sẽ có cơ hội giảm thêm 0,2%/năm khi vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home hoặc khách hàng đổ lương qua BIDV. Đồng thời, có thể giảm thêm 0,2%/năm đối với khách hàng tại địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... BIDV cho biết khách hàng có thể được cộng gộp hai ưu đãi trên để giảm tới 0,4%/năm.
Cũng áp dụng từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Còn tại VietinBank, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm đã được triển khai dành cho các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 30/6/2023. Gói ưu đãi này áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.
Làn sóng giảm lãi suất cho vay cũng ngày một lan rộng sang nhiều ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank),...
Theo đó, Viet Capital Bank triển khai gói cho vay lãi suất 10,5%/năm, quy mô 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn hoặc trung dài hạn cho sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị máy móc, hay những khách hàng cần vốn để phục vụ đời sống tiêu dùng của cá nhân như nhận chuyển nhượng nhà đất để ở, xây mới hoặc sửa nhà/chung cư để ở, mua sắm tiêu dùng…
Chương trình áp dụng cho khách hàng vay vốn từ 1/2/2023 đến 30/4/2023 (hoặc đến khi chương trình hết hạn mức). Mức lãi suất ưu đãi trên được áp dụng tối đa 3 tháng tính từ thời điểm giải ngân.
Tại OCB, khoảng 25.000 tỷ đồng đã được dành ra để hỗ trợ các khách hàng vay vốn ngay từ những ngày đầu năm 2023 với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5-2 điểm % so với thông thường.
Ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết hiện có 2 nhóm lãi suất cho vay ngắn hạn là từ 8-12%/năm với khách hàng doanh nghiệp và tối đa khoảng 12%/năm với khách hàng cá nhân, giảm từ 1,5-2%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Các gói lãi suất sẽ triển khai trên toàn hệ thống, có giám sát, điều chỉnh để tới được tay khách hàng.
Tại Sacombank, khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chính sách khách hàng Sacombank Sapphire được áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm.
Còn đối với khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm. Sacombank cũng đang triển khai chương trình cho vay mua ô tô với lãi suất từ 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân, hạn mức vay đến 100% giá trị xe và thời gian vay kéo dài đến 10 năm.
Tại MB, lãi suất cho vay giảm tới 1%/năm để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. MB đồng thời triển khai chương trình vay dành cho cá nhân kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,7%/tháng, tương đương 8,5%/năm, được áp dụng ngay từ thời điểm giải ngân.
Trong khi đó, Techcombank cũng công bố gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.
Còn tại SeABank, một gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm được dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, với các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên, SeABank thực hiện giảm lãi suất 0,5%/năm.
Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cho rằng các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn do đơn đặt hàng giảm rõ rệt trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Do đó, yếu tố lãi suất sẽ tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn rất lớn.
"Vì vậy, ngân hàng cần đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp để có các chính sách phù hợp hỗ trợ khách hàng", ông Nguyễn Hữu Trung chia sẻ.
Trước đó, hồi đầu tháng 2/2023, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết các ngân hàng thương mại đã thống nhất giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Sau công bố trên, lãi suất huy động trực tuyến tại nhiều kỳ hạn của các ngân hàng lớn được giảm xuống bằng với mức lãi suất huy động tại quầy. Như tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng giảm xuống mức 7,4%/năm bằng với lãi suất tại quầy; lãi suất huy động tại Agribank kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng cũng giảm xuống lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm...
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã dần hạ nhiệt xuống dưới mức 10%/năm.
Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng 1/2023. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023.
Động thái này phát đi tín hiệu lạc quan về khả năng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục có dư địa giảm xuống, dù việc giảm này sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn do tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới cũng như tình hình lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận