Góc nhìn đầu tư 2020: Ngành xây dựng
Năm 2019 được coi là một năm thất bát của ngành xây dựng với sự sụt giảm mạnh của hầu hết những cổ phiếu chủ chốt. Liệu tình hình có cải thiện hơn trong năm 2020?
Giảm tốc trong năm 2019
Ngành xây dựng phát triển ổn định trong những năm qua chủ yếu nhờ ảnh hưởng tích cực từ lĩnh vực bất động sản. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ dân thành thị trên tổng dân số ngày càng lớn, nhu cầu xây dựng ở Việt nam luôn ở mức cao.
Tốc độ tăng trưởng của ngành từ năm 2012 đến nay luôn cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong năm 2019, giới chuyên gia dự kiến tốc độ tăng trưởng ngành sẽ chỉ còn tầm 7.2%.
Thận trọng ngắn hạn, lạc quan dài hạn
Từ năm 2018, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh bị siết cấp phép dự án mới cho đến nay. Giới phân tích dự kiến tình trạng này sẽ còn tiếp tục nhưng không còn quá khắt khe trong các năm tới và giúp cho các doanh nghiệp xây dựng “dễ thở” hơn.
Mặt khác, theo dự báo của BMI (Business Monitor International), ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7.6% trong giai đoạn 2018-2025. Nghiên cứu của PwC cho thấy Indonesia, Việt Nam và Philippines là những quốc gia có thể dành được sự quan tâm lớn nhất từ các nhà đầu tư phát triển bất động sản quốc tế trong khu vực ASEAN. Điều này chứng tỏ triển vọng ngành vẫn rất tốt nếu nhìn dài hạn.
Vì vậy, sự điều chỉnh của các cổ phiếu ngành này (nếu có) trong năm 2020 dự kiến sẽ là cơ hội để nhà đầu tư mua vào với giá hợp lý. Chiến lược đánh nhanh rút gọn, lướt sóng nhiều khả năng sẽ không đem lại hiệu quả với ngành này. Việc mua cho mục tiêu dài hạn khoảng 3-5 năm sẽ hợp lý hơn.
Các doanh nghiệp đáng chú ý
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC)
Nằm trong nhóm doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy Equity Multiplier ở mức cao nhất nhưng HBC đã bắt đầu có những cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Tỷ lệ này đã giảm từ mức 5.68 vào cuối năm 2017 xuống còn 4.53 vào cuối quý 3/2019.
Mặc dù lợi nhuận của doanh nghiệp dự kiến chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng. Đây chính là điểm khác biệt lớn nếu so sánh với đối thủ ngang tầm là CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD). Không chỉ có lợi nhuận bị teo tóp mà doanh thu của CTD dự kiến cũng đi xuống mạnh trong năm 2019.
Từ 2020, HBC đã có phương án để cải thiện vấn đề thanh khoản và dòng tiền. Theo đó, Hòa Bình có kế hoạch khoản phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1,200 tỷ đồng), nhằm thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và dùng phần tiền còn lại tái đầu tư cho công ty thành viên, phát triển mảng hạ tầng công nghiệp và tái cơ cấu mảng sản xuất vật liệu xây dựng để tạo thành chuỗi giá trị, hoàn thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.
Gần đây, Korea Investment Management Co Ltd đã thực hiện giao dịch mua vào gần 1.2 triệu cổ phiếu, nâng nắm giữ tại HBC từ 4.60% lên thành 5.11%. Theo đó, tổ chức này đã trở thành cổ đông lớn của HBC kể từ ngày 02/10/2019. Điều này phần nào phản ánh sự tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài vào triển vọng dài hạn của HBC. Vùng giá 9,500-11,000 được đánh giá là rất hấp dẫn để mua vào HBC cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE)
Trong số các doanh nghiệp xây dựng thì CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) tham gia và đầu tư ngoài ngành thành công nhất. Sự ổn định của những lĩnh vực như bất động sản cho thuê, phát điện, cấp nước… giúp cho REE trở thành doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng nhất từ các biến động thất thường của thị trường xây dựng.
Sau khi test vùng đỉnh cũ lịch sử (tính theo giá đã điều chỉnh) 39,000-41,000 vào cuối tháng 09/2019, cổ phiếu REE đã điều chỉnh liên tục trong những tháng sau đó. Hiện tại, giá đang hướng về đường trendline hỗ trợ dài hạn (tương đương vùng 33,500-34,500). Việc mua vào có thể được thực hiện khi giá về lại vùng này.
CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD)
Doanh nghiệp này đang trải qua giai đoạn thử thách khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đều suy giảm, các dự án vướng mắc trong công tác triển khai và nguồn việc ít khiến cạnh tranh đấu thầu ngày càng gay gắt.
Thị trường xây dựng gặp khó khăn là suy nghĩ đầu tiên khi nói về kết quả kinh doanh xuống dốc của CTD. Nhưng nhìn sang đối thủ chính là HBC thì lợi nhuận doanh nghiệp này đi lùi nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng, khó ai hài lòng với lời giải thích đơn giản đó.
Giới đầu tư vẫn đang lo ngại về việc liệu CTD có đang đối mặt với nguy cơ bị “rút ruột” khách hàng và đội ngũ chuyên gia lành nghề khi mà Central Cons được cựu Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Tuấn thành lập phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt. Theo website của Central Cons giới thiệu thì doanh nghiệp đang có hơn 800 kỹ sư và 10,000 công nhân đang làm việc ở 39 dự án lớn nhỏ với tổng giá trị hợp đồng đã ký lên đến 10,000 tỷ đồng. Một công ty xây dựng non trẻ mới thành lập hơn 2 năm nhưng đã ký hợp đồng lên tới 10,000 tỷ đồng thực sự là rất đáng gờm!
Nhiều người vẫn đang lo ngại rằng liệu đây có phải là một dạng "ve sầu thoát xác" của Coteccons hay không? Người viết không bình luận sâu vào việc này. Tuy nhiên, đối mặt với các doanh nghiệp đang có nghi ngờ về rủi ro đạo đức thì giải pháp tốt nhất vẫn là tạm thời tiếp tục quan sát và không vội đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận