Giới đầu tư lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai, chứng khoán giảm sâu
Chứng khoán Việt Nam sáng 29/6 ngập trong sắc đỏ ngay khi thị trường mở cửa, càng về cuối phiên sáng thị trường càng giảm mạnh. Kết thúc phiên sáng, VN - Index giảm tới 18,67 điểm (2,19%) xuống 833,31 điểm.
HNX – Index cũng giảm 2,27 điểm (2%) xuống 111,18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 33,79 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 329,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 29 mã tăng giá, trong khi có tới 116 mã giảm giá và 33 mã đứng ở giá tham chiếu.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã chìm trong sắc đỏ và chỉ còn 1 mã giữ được sắc xanh. Cụ thể, BVH giảm 3,2%, MSN và VRE giảm 2,7%, VNM giảm 2,2%, VHM giảm 2,1%, VIC giảm 1,3%, SBT giảm 3,4%, SSI giảm 3,2%, PNJ giảm 3,5%... Trong nhóm này chỉ còn duy nhất CTD tăng 1,8%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giảm rất mạnh với PVC giảm 6,5%, PVB giảm 4,3%, PVD giảm 3,3%, PVS giảm 2,4%, PLX giảm 3,5%, POW giảm 2,5%, GAS giảm 1,8%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn mã nào tăng giá. Các mã đồng loạt giảm giá, cụ thể như: HDB giảm 4,9%, VPB giảm 4,1%, TCB giảm 2,7%, BID giảm 2,8%, MBB và TPB giảm 2,6%, VCB giảm 2,2%, ACB giảm 1,7%, CTG giảm 2%...
Theo đó, trên HOSE, sáng nay khối ngoại đã bán ròng tới 115,64 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VNM (hơn 47 tỷ đồng), SSI (hơn 20,5 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 2,03 tỷ đồng. Trong khi đó, trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 2,24 tỷ đồng. Mã ACV bị bán ròng mạnh nhất trên UPCOM, đạt hơn 3,98 tỷ đồng.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã giảm 0,6%) và tiếp tục rời xa mức “đỉnh” của bốn tháng đạt được trong tuần trước.
Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,3% xuống 22.214,69 điểm. Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 0,6% xuống 24.408,56 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải để mất 0,6% xuống 2.962,98 điểm.
Chứng khoán Sydney và Seoul đều giảm hơn 1%. Chứng khoán Manila giảm hơn 2%, còn chứng khoán Đài Bắc và Jakarta không nằm ngoài xu hướng giảm này.
Sau vài tuần các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, nhiều thành phố lớn xuất hiện dấu hiệu về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Điều này đã tác động đến niềm tin của các nhà đầu tư, nhân tố đã giúp các chỉ số chứng khoán phục hồi sau khi lao dốc trong tháng Ba.
Nhiều quán bar tại Los Angeles cùng với sáu hạt/tỉnh khác tại California, có tổng dân số hơn 13 triệu dân, đã được yêu cầu đóng cửa trở lại, chỉ hơn một tuần sau khi mở cửa, trong khi đó San Francisco tạm dừng các biện pháp nới lỏng.
Số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh ở Texas và Florida, hai bang đông dân số nhất nước Mỹ, với tổng cộng 50 triệu người. Các bang lớn khác; trong đó có Arizona và Georgia cũng chứng kiến mức tăng cao các ca nhiễm mới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận