Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam: “Nếu Credit Suisse sụp đổ cũng là chuyện bên kia bán cầu, ảnh hưởng Việt Nam rất nhỏ”
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam đánh giá với hơn 700 tỷ USD đang quản lý thì việc sụp đổ của Credit Suisse có thể kéo theo nhiều tổ chức tài chính khác lâm nguy trong ngắn hạn. Nhưng dù sao đi nữa đó là chuyện ở bên kia bán cầu, ảnh hưởng tới Việt Nam không đáng kể...
Chứng khoán toàn cầu đã có một đêm rực lửa vì cổ phiếu Credit Suisse bị bán tháo sau thông tin Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út (SNB) - một trong những cổ đông lớn nhất tuyên bố không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho ngân hàng Thuỵ Sỹ này.
Trong phiên giao dịch hôm qua, chỉ số Dow Jones có lúc bị thổi bay tới 700 điểm. Thị trường ngay sau đó được cân bằng trở lại khi cơ quan chức năng Thuỵ Sỹ ngày 15/3 cam kết một “phao cứu sinh” thanh khoản cho Credit Suisse. Tuy nhiên, áp lực tâm lý lên thị trường chứng khoán trong nước còn rất lớn khi gần đây liên tục đón nhận những tin kém tích cực đối với một số nhà băng như SVB vừa qua...
Và rằng với Credit Suisse, nếu xảy ra một cú sụp đổ thật sự, sẽ tác động thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam nói chung và chứng khoán nói riêng? VnEconomy đã có cuộc trao đổi chi tiết với ông Vicente Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD) xung quanh vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất ngay thời điểm này.
ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM KHÔNG LỚN
Ông đánh giá thế nào về vấn đề hiện tại của Credit Suisse, nếu ngân hàng này sụp đổ, thì nó có lây lan như cú sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 không?
Cá nhân tôi cho rằng không. Bởi Credit Suisse sụp đổ cũng là do những sai lầm của riêng bản thân ngân hàng, tương tự Silicon Valley Bank chứ không phải là một lỗ hổng của hệ thống.
Năm 2008, khi Lehman Brothers sụp đổ, đó là một sự sụp đổ có hệ thống bởi tất cả các ngân hàng đầu tư thời điểm đó từ US cho đến EU đều giao dịch mạnh mẽ các khoản nợ dưới chuẩn. Cả một hệ thống ngân hàng toàn cầu cùng đu bám vào những sản phẩm dưới chuẩn. Khi đó mắc xích yếu nhất là Lehman Brothers sụp đổ đã kéo theo sự sụp đổ của cả một hệ thống. Các sản phẩm MBS, ABS, CDO có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD vào năm 2007 và nó được truyền tay nhau qua hệ thống tài chính toàn cầu. Khi các khoản dưới chuẩn này có giá trị gần như bằng 0 thì điều đó đã thổi bay hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
Nhưng Credit Suisse lại là chuyện khác, nó đến từ những sai lầm của chính bản thân ngân hàng. Các khoản lỗ tỷ USD trong các thương vụ như Greensill capital hay Archegos Capital Management - một vụ cháy tài khoản kinh điển đã làm lợi nhuận tích tụ hàng thập kỷ bị cuốn bay và làm suy yếu danh tính của ngân hàng này. Ngay cả một thương vụ đầu tư tại Việt Nam gần đây cũng rơi vào tình trạng gần như mất trắng đó là đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của Novaland.
Các thương vụ đầu tư sai lầm liên tục đã khiến khách hàng rút tiền liên tục trong những năm trở lại đây và biến ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ rơi vào cảnh điêu tàn. Tài sản của Credit Suisse có tính thanh khoản rất cao và nó có giá trị chứ không phải như những MBS, ABS, CDO của những năm 2008 (giá trị về 0).
Credit Suisse sụp là bởi khách hàng rút tiền liên tục, chi phí vốn ngày càng cao, dẫn tới mất thanh khoản chứ tài sản của Credit Suisse là vẫn giá trị. Nếu Credit Suisse sụp thì cơ quan chức năng sẽ phong toả tài sản, sau đó thanh lý và trả lại các chủ nợ.
Do đó cá nhân tôi cho rằng sự sụp đổ hệ thống là khó xảy ra. Tuy nhiên do mức độ to lớn của Credit Suisse với hơn 700 tỷ USD đang quản lý thì việc sụp đổ của Credit Suisse có thể kéo theo nhiều tổ chức tài chính khác lâm nguy trong ngắn hạn. Khi đó vấn đề sẽ rất căng thẳng. Nhưng dù sao đi nữa đó là chuyện ở bên kia bán cầu.
Đối với Việt Nam thì sao, liệu có chịu ảnh hưởng gì không, đặc biệt khi mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam sử dụng vốn vay, nguồn từ Credit Suisse?
Thật ra ảnh hưởng của Credit Suisse với hệ thống tài chính Việt Nam không lớn. Bởi thực tế, mức kết nối tài chính của chúng ta với toàn cầu rất thấp. Ngay cả tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng không nhiều, hầu hết là nhà đầu tư dài hạn như Vinacapital, Dragon Capital, những quỹ quy mô lên tới 3-4 tỷ đô họ đầu tư ở Việt Nam từ rất lâu rồi nên chuyện thoát vốn khỏi Việt Nam là xác suất không cao. Đương nhiên sẽ vẫn tồn tại rủi ro nhà đầu tư nước ngoài rời đi nhưng không đáng kể.
Đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp. Cụ thể, Credit Suisse là ngân hàng của giới nhà giàu, giới tài phiệt, một khi ngân hàng này sụp đổ thì người giàu mất tiền là chủ yếu. Và chuyện đó sẽ rơi vào tình hình kinh doanh tiêu dùng các nước châu Âu bị ảnh hưởng bởi người tiêu dùng phòng thủ giảm tiết kiệm chi tiêu. Từ đó, mức độ xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam bị giảm. Chưa kể, khi ngân hàng sụp đổ, sẽ dẫn tới tình trạng sa thải nhân sự, thu nhập nhóm này giảm cũng kéo theo nhu cầu chi tiêu đi xuống.
Đối với các doanh nghiệp đang dùng vốn, vay nợ từ Credit Suisse để kinh doanh thì sẽ mất đi một đối tác giúp các tập đoàn này huy động vốn. Credit Suisse là đối tác nổi tiếng ở Việt Nam, thông qua nhiều deal lớn giúp các doanh nghiệp trong nước huy động nguồn vốn lớn. Khi xảy ra tình trạng "sập tiệm", một là bán hai là họ thu hồi nợ. Dù vậy, những khó khăn này tập trung ở một số tập đoàn thôi còn đối với nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng không đáng kể.
THỊ TRƯỜNG HIỆN TẠI LÀ CƠ HỘI CHỨ KHÔNG PHẢI RỦI RO
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ với tổ chức tín dụng, có phải là một bước đi trước để lành mạnh hóa sức khỏe hệ thống tổ chức tín dụng hay không?
"Chỉ số chứng khoán giai đoạn 2008-2009 khi đó chỉ đâu đó khoảng 300 điểm nhưng sau 5 năm tăng lên 700-800 điểm, xuất hiện nhiều cổ phiếu tăng hàng chục lần. Do đó, vấn đề của nhà đầu tư bây giờ là lựa chọn cổ phiếu tốt, lý trí và nắm chắc cơ hội".
Đây là động thái của Chính phủ làm lành mạnh hệ thống tổ chức tín dụng để giải quyết vấn đề căn cơ cốt lõi tồn tại hàng chục năm nay rồi. Nhưng việc Chính phủ trong thời gian này tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến ngân hàng là rất tốt vì giảm thiểu rủi ro hệ thống ngân hàng đi nhiều nếu chúng ta làm được chuyện đó.
Hiện nay, cho vay sân sau rủi ro, tiêu chuẩn về tín dụng, kiểm soát rủi ro khi cho vay sân sau bị buông lỏng. Do đó, một khi kiểm soát được chuyện này sẽ giúp nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao kiểm soát rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng thì rủi ro trong ngân hàng giảm.
Đánh giá của ông thế nào về triển vọng nhóm ngân hàng trong thời gian tới?
Cổ phiếu ngân hàng được chia ra làm hai nhóm rõ ràng: Nhóm cho vay bất động sản, sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao. Cổ phiếu nhóm này không bị ảnh hưởng bởi SVB mà bị ảnh hưởng bởi vấn đề bản thân nó đó chính là khoản vay qua trái phiếu doanh nghiệp, vay bất động sản khi bất động sản đóng băng thì nợ xấu gia tăng.
Tất nhiên không nói hầu hết trái phiếu doanh nghiệp là xấu nhưng nhiều khi trong báo cáo tài chính các ngân hàng, doanh nghiệp không được thuyết minh rõ khiến nhà đầu tư cảm thấy rủi ro. Với ngân hàng nhóm này sẽ khó khăn trong khoảng 2-3 năm tới.
Đối với nhóm Ngân hàng tỷ trọng cho vay bất động sản thấp, những ngân hàng nảy rủi ro từ hai yếu tố này thấp và sẽ trụ vững tốt hơn những phần còn lại, nên chọn cổ phiếu nhóm này. VCB là một cổ phiếu ví dụ điển hình. VCB có chất lượng tốt nhất bây giờ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 500%, dự phòng trích nhiều hơn so với số phải trích, dẫn tới dù định giá cao nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưa thích mua.
Tâm lý nhà đầu tư dường như rất yếu và hoang mang khi thị trường có quá nhiều tin tốt, xấu đan xen và là một người đứng đầu quản lý quỹ đầu tư, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư để đứng vững giữa lúc thị trường đầy sóng gió này?
Sự hoảng loạn luôn tồn tại, cảm xúc luôn chi phối lí trí, điều này tồn tại ở tất cả thị trường chứng khoán không riêng gì Việt Nam. Chỉ những nhà đầu tư kiểm soát được cảm xúc, phân tích kỹ lưỡng sẽ chiến thắng. Cá nhân tôi nhận định hiện tại nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở chu kỳ downtrend, phải mất 1-2 năm để hồi phục nhưng cũng chính là cơ hội lớn cho nhà đầu tư dài hạn.
Nhìn lại giai đoạn 2008-2009, sau khủng hoảng VN-Index lao dốc thảm hại là giai đoạn tăng trưởng khủng khiếp, thị trường tăng gấp 2-3 lần. Do đó, hiện tại thị trường là cơ hội chứ không phải rủi ro. Vấn đề là lựa chọn được cổ phiếu, nếu danh mục phân bổ tốt thì trong vòng 3-4 năm tới tài khoản hoàn toàn có thể tăng gấp 3-4 lần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường