Gạo Việt liên tục đón tin vui, doanh nghiệp ngành gạo liệu có thắng lớn?
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu đã giúp giá gạo nội địa tăng cao trong bối cảnh nhu cầu sôi động, nguồn cung khan hiếm. Bức tranh lợi nhuận quý 3/2022 của các doanh nghiệp gạo cũng được dự báo khởi sắc, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi nhuận tăng trưởng tốt.
Gạo Việt thay dần gạo Thái
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 700,000 tấn, trị giá đạt 334 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỉ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với 10 tháng đầu năm 2021.
Số liệu: Tổng cục Hải quan
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.
Tăng trưởng vượt trội
Kết quả kinh doanh ghi nhận tại BCTC quý 3/2022 của các doanh nghiệp gạo đã phần nào phản ánh thực tế này.
Theo thống kê của VietstockFinance đối với 9 doanh nghiệp kinh doanh gạo trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, tổng doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp này trong quý 3 lần lượt đạt 14,348 tỷ đồng (tăng 16%) và gần 114 tỷ đồng, gấp 2.8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của doanh nghiệp ngành gạo
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Dẫn đầu đà tăng là CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) với lãi ròng đạt hơn 9 tỷ đồng, gấp 120 lần so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ đang trên đà khôi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Lợi nhuận gộp về bán hàng tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời Công ty đã cơ cấu các khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả kinh doanh.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng ghi nhận tín hiệu kinh doanh khả quan trong quý 3 là CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) khi thu về gần 64 tỷ đồng lãi ròng, gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này cũng đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng gần 46 tỷ đồng trong quý 2/2022.
CTCP Tập đoàn Pan (HOSE: PAN) trong quý 3/2022 ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 3,585 tỷ đồng, tăng 40% và báo lãi ròng gần 55.5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.
Hiện, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 52% vào tổng lợi nhuận sau thuế tạm tính.
CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (UPCoM: KGM) cũng có một quý tích cực khi chuyển từ lỗ cùng kỳ sang có lãi.
Vẫn có doanh nghiệp giảm tốc
Trái ngược với mảng sáng trong bức tranh kinh doanh quý 3 của ngành gạo, một số doanh nghiệp lại đón kết quả đáng buồn.
Doanh thu không đủ bù chi phí khiến CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) báo lãi sau thuế quý 3 chỉ đạt 2 tỷ đồng, tụt dốc tới tận 94%, lãi ròng còn vỏn vẹn 830 triệu đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ. Đây cũng chính là mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 quý trở lại đây của Công ty.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HOSE: NSC) cũng “ngậm ngùi” với kết quả lãi ròng sụt giảm 18% so với cùng kỳ, còn hơn 28 tỷ đồng.
Trong bối cảnh chi phí tăng mạnh nhưng doanh thu đi lùi, CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) báo lỗ quý 3 gần 29.4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 4 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, AGM ghi lỗ ròng 35.6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng) - khoảng cách rất xa so với mục tiêu lợi nhuận Công ty đã đề ra (25 tỷ đồng).
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành gạo tháng 10/2022, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo giá gạo sẽ chịu áp lực tăng lên trong niên vụ 2022-2023 (đến giữa năm 2023). Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai nước hưởng lợi chính. Tuy nhiên, Thái Lan dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều hơn Việt Nam do đồng Baht Thái đã mất giá mạnh nhất 15 năm so với USD, tạo sức cạnh tranh về giá.
Yuanta dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ tăng. Sản lượng sản xuất tích cực trong niên vụ 2022-2023 nhờ thuận lợi về thời tiết. Các vùng trọng điểm lúa nước không bị các khó khăn hạn hán hay mưa bão.
Trong khi đó, tại báo cáo ngành gạo tháng 10 của Chứng khoán VNDirect (VNDirect), Việt Nam đang có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của mặt hàng gạo. Cụ thể, VNDirect chỉ ra những lợi thế cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới bao gồm:
- Giá gạo Việt Nam đang cạnh tranh hơn so với gạo Ấn Độ nhờ thuế xuất thấp hơn.
- Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam dự kiến tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022-2023 do năng suất giảm vì hạn hán.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu lương thực sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 ở mức 34.4%.
Gần đây thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á, nơi sản xuất khoảng 90% lượng gạo thế giới. Thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã hạn chế năng suất thu hoạch, hạ sản lượng. Đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường