E ngại biến động khó lường - nhà đầu tư lớn liên tục chốt lời cổ phiếu
Có thể thấy thị trường chứng khoán (TTCK) hiện đang có những diễn biến thật sự khó đoán định, khi VN-Index vẫn lình xình và luôn chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản cũng tăng mạnh, mỗi lần tiếp cận vùng đỉnh gần nhất quanh mốc 1.300 điểm.
Chốt lời trước kháng cự
Sau khi phục hồi mạnh trong tuần đầu tiên của tháng 7-2024, từ mức 1.240 điểm lên trên vùng 1.280 điểm, chỉ số VN-Index đã dao động trong biên độ hẹp vào tuần trước – tuần thứ hai của tháng 7, dù có thời điểm tiếp cận lại gần vùng 1.300 điểm. Điều này cho thấy áp lực chốt lời luôn gia tăng mỗi khi VN-Index thử thách vùng giá này. Thực tế đây cũng là ngưỡng kháng cự mạnh của chỉ số này trong vòng hơn hai năm qua.
Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn, cổ đông nội bộ cũng có khuynh hướng thoát hàng, chốt lời tại vùng giá cao mỗi khi VN-Index tiến đến gần vùng kháng cự này mà không cho thấy khả năng bứt phá thuyết phục. Đơn cử như từ đầu tháng 7 đến nay, thị trường chứng kiến hàng loạt động thái bán ra của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.
Như tại Công ty cổ phần (CTCP) Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), khi giá cổ phiếu lên đỉnh cao trong hơn hai năm qua, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty này là ông Nguyễn Tuấn Nghĩa đăng ký bán 7 triệu cổ phiếu TCM từ ngày 16-7 đến 14-8, nhằm hạ sở hữu từ 17,19 triệu cổ phiếu xuống còn 10,19 triệu cổ phiếu, tức giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 16,8% xuống 10%. Được biết ông Nghĩa đang là nhà đầu tư lớn tại nhiều công ty khác, khi nắm giữ 9,78 triệu cổ phiếu LCG (tỷ lệ 5,1%); gần 10,4 triệu cổ phiếu AMS (tỷ lệ 17,3%); hơn 22,4 triệu cổ phiếu TIG (tỷ lệ 12,55%).
Tại CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL), khi giá cổ phiếu đã tăng đến 180% trong vòng hơn nửa năm qua và hiện đang giao dịch tại vùng giá cao nhất từ trước đến nay, bà Nguyễn Thị Mai (mẹ của ông Đinh Đức Tiệp – Tổng giám đốc của công ty này) đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu NTL từ ngày 17-7 đến 15-8. Trước đó, ông Nguyễn Văn Kha (bố của ông Nguyễn Hồng Khiêm – thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của công ty) cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 30-5 đến 29-6-2024, nhưng sau đó chỉ bán được 678.100 cổ phiếu với lý do giá không đạt kỳ vọng.
Còn tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HOSE: NHA), với giá cổ phiếu đã tăng gần 80% kể từ đầu năm đến nay và hiện đang giao dịch ở vùng đỉnh cao hai năm qua, thành viên HĐQT của công ty là ông Nguyễn Văn Hùng cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu từ ngày 18-7 đến 15-8-2024, theo đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,18% xuống còn 0,81%.
Với giá cổ phiếu cũng đang nằm tại đỉnh cao nhất từ trước đến nay, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Văn Phú – INVEST (HOSE: VPI) là ông Tô Như Thắng đã bán ra 3,3 triệu cổ phiếu VPI như đăng ký trong thời gian từ ngày 27-6 đến 4-7. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Thắng tại công ty này giảm từ 4,38% xuống còn hơn 3%. Động thái của ông Thắng diễn ra trước thềm đợt chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu của VPI.
Tương tự, ba cá nhân liên quan đến Chủ tịch HĐQT CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HOSE: TNH) đăng ký bán ra tổng cộng gần 4,3 triệu cổ phiếu từ ngày 15-7 đến 13-8, khi giá cổ phiếu TNH đang ở mức cao nhất hai năm qua.
Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt động thái thoái vốn của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan, ban lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác như CTCP Dịch vụ Du lịch Bến Thành (UpCom: BTV), CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (UpCom: SZG), CTCP Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC), CTCP Dược Vật tư y tế Thanh Hóa (UpCom: DTH), CTCP Xây dựng số 5 (HOSE: SC5), CTCP Sông Đà 11 (HNX: SJE)…
E ngại biến động khó lường
Có thể thấy TTCK hiện đang có những diễn biến thật sự khó đoán định, khi VN-Index vẫn lình xình và luôn chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản cũng tăng mạnh, mỗi lần tiếp cận vùng đỉnh gần nhất quanh mốc 1.300 điểm. Dù mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh bán niên đang chuẩn bị bước vào cao điểm, nhưng điều đó dường như chưa đủ để hỗ trợ thị trường bứt phá khỏi vùng kháng cự này.
Đáng lưu ý, cuộc ám sát hụt nhắm vào ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần qua đang đặt các thị trường tài chính toàn cầu trước rủi ro cao hơn.
Về cơ bản, quá khứ cho thấy, TTCK Mỹ có xu hướng tăng trưởng tích cực trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Trump, khi cùng với sự ủng hộ đặc biệt dành cho TTCK, ông Trump cũng ưu tiên các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như giảm thuế cho giới doanh nghiệp, nới lỏng chính sách tiền tệ khi liên tục yêu cầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải giảm lãi suất, phá giá đô la Mỹ nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Mỹ.
Ngoài ra, các cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc được khơi mào dưới thời ông Trump cách đây sáu năm có thể tiếp tục được đẩy mạnh hơn và làm sâu sắc hơn nếu ông lại trở thành tổng thống trong nhiệm kỳ tới. Khi đó, các nền kinh tế lân cận Trung Quốc có thể một lần nữa lại đứng trước cơ hội đón nhận dòng vốn dịch chuyển mạnh mẽ từ Trung Quốc sang.
Dù vậy, những áp lực về tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng và lãi suất trong nước vẫn đang kéo dài dai dẳng đã ít nhiều kiềm hãm đà đi lên của TTCK trong thời gian qua. Bất chấp nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn dồi dào, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn neo cao trong thời gian qua. Trong khi đó, với tín dụng đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, ngày càng nhiều ngân hàng buộc phải liên tục tăng lãi suất tiền gửi từ đầu tháng 7 đến nay.
Trong một diễn biến khác, khả năng Fed sớm nới lỏng chính sách trở lại đang ngày càng đến gần hơn, khi mới đây Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đột ngột thay đổi quan điểm về lãi suất. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ diễn ra mới đây, ông Powell cho biết Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ông cũng cho rằng “Nếu đợi lâu như vậy, lạm phát có thể sẽ giảm xuống và về dưới mức 2%. Đây là điều mà chúng ta không mong muốn”.
Lạm phát (tính theo PCE) đã giảm từ mức 4% cách đây một năm xuống chỉ còn 2,6% vào tháng 5 vừa qua, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần rồi cũng cho thấy kết quả hạ nhiệt mạnh hơn dự báo. Cụ thể, CPI tháng 6 của Mỹ giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5-2020. Nếu so với cùng kỳ, CPI Mỹ tăng 3%, cũng là mức thấp nhất trong hơn ba năm, đồng thời giảm so với mức 3,3% của tháng 5 và mức dự báo là 3,1%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận