Đường đua lợi nhuận ngân hàng quý I/2022
Lợi nhuận của hầu hết ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Một ngân hàng tư nhân đã vượt lên dẫn đầu, trở thành quán quân lợi nhuận, thế chỗ ngân hàng quốc doanh.
Các ngân hàng đã cập nhật kết quả kinh doanh quý đầu năm 2022. Theo kết quả công bố, hầu hết lợi nhuận quý đầu năm của nhóm nhà băng đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Quý đầu năm nay, thứ hạng lợi nhuận của các ngân hàng đã có sự xáo trộn bởi sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm ngân hàng tư nhân.
VPBank lần đầu giữ "ngôi vương" lợi nhuận toàn ngành
Cụ thể, VPBank đã trở thành quán quân lợi nhuận của quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.146 tỷ đồng, tăng tới 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay.
VPBank chính thức soán "ngôi vương" của Vietcombank và lần đầu dẫn đầu top những nhà băng đạt lợi nhuận cao nhất toàn ngành. Theo báo cáo tài chính quý I/2022 của Vietcombank, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Dù vẫn giữ được đà tăng trưởng song sự bứt phá của VPBank đã khiến Vietcombank mất vị trí dẫn đầu. VPBank cũng là ngân hàng duy nhất lãi vượt 10.000 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.
VPBank lý giải một phần nguyên nhân đến từ việc ghi nhận khoản phí trả trước từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Nhờ vậy, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt trên 18.270 tỷ đồng, cao hơn 1.536 tỷ đồng so với vị trí thứ 2 là Vietcombank. Dù lợi nhuận Vietcombank có tăng trưởng song lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động chứng khoán kinh doanh, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, lãi từ hoạt động kinh doanh khác trong quý đầu năm 2022 của Vietcombank đều giảm.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận tối thiểu 12% so với mức thực hiện năm 2021, tương đương mức trên 30.000 tỷ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, Vietcombank đã thực hiện được khoảng 1/3 kế hoạch lợi nhuận tối thiểu. Trong khi đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 107% lên khoảng 29.700 tỷ đồng. Như vậy, VPbank đã thực hiện được gần 38% kế hoạch năm dù mới đi hết 1/4 năm tài chính.
Vị trí thứ 3 là một ngân hàng tư nhân khác: Techcombank, theo ngay sau là MBBank. Cả hai vị trí này đều không có sự xáo trộn so với năm 2021. Theo đó, Techcombank ghi nhận lợi nhuận đạt 6.785 tỷ đồng, tăng 1.267 tỷ đồng, tương ứng 23% còn MBBank ghi nhận lợi nhuận 5.908 tỷ đồng, tăng 1.328 tỷ đồng, tương ứng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Quý đầu năm ngoái, vị trí thứ 2 thuộc về Vietinbank với 8.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến quý đầu năm 2022, Vietinbank rớt xuống vị trí thứ 15. Trong top 15 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận dẫn đầu, Vietinbank là nhà băng duy nhất có lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận quý I/2022 của Vietinbank giảm 2.238 tỷ đồng, tương ứng 27%.
Như vậy, top 5 ngân hàng có lợi nhuận dẫn đầu ngành tính đến thời điểm hiện tại, có tới 3 ngân hàng thuộc nhóm tư nhân.
Vị trí thứ 6 là ngân hàng quốc doanh BIDV với lợi nhuận quý đầu năm nay đạt 4.513 tỷ đồng, tăng gần 33% so với mức 3.396 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Năm 2021 trước đó BIDV cũng giữ vị trí thứ 6. Năm 2022 đánh dấu mốc ngân hàng này tròn 65 tuổi.
SHB tăng trưởng lợi nhuận gần 94%
Ngoài VPBank ghi nhận lợi nhuận bứt phá năm nay, một ngân hàng ghi nhận lợi nhuận khả quan 3 tháng đầu năm là SHB của bầu Hiển khi lợi nhuận tăng từ mức 1.664 tỷ đồng quý đầu năm 2021 lên 3.226 tỷ đồng. Tính trong toàn ngành ngân hàng, SHB là ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh thứ 2, chỉ sau VPBank. Năm 2022, SHB lần đầu đặt mục tiêu gia nhập nhóm ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, SHB đặt mục tiêu lãi trước thuế 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước. Tại buổi họp Đại hội cổ đông SHB năm 2022, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT SHB cho biết cơ sở của kế hoạch lợi nhuận trên hoàn toàn khả thi. Năm 2021, ngân hàng trích lập 7.887 tỷ đồng để xử lý nợ VAMC. Năm nay, ngân hàng dự kiến trích lập 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
MBBank là ngân hàng đứng vị trí thứ 3 trong top những ngân hàng tăng trưởng mạnh. Theo đó, lợi nhuận MBB cũng tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với kết quả đạt được quý đầu năm 2021. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MBBank Lưu Trung Thái trong cuộc họp ĐHCĐ vừa qua tiết lộ ngân hàng sẽ nhận chuyển giao một tổ chức yếu kém với lộ trình chuyển giao khoảng 7-8 năm. Dù không tiết lộ đây là ngân hàng nào, song việc nhận chuyển giao vừa là nhiệm vụ, vừa là tự nguyện.
Một ngân hàng cũng có mức tăng trưởng lên tới 87% có thể kể đến SeABank. Dù vậy, do toàn ngành đều cùng tăng trưởng nên thứ hạng của SeABank vẫn giữ nguyên so với quý I/2022 dù tỉ lệ tăng trưởng cao.
Hay Sacombank cũng là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 70%. Quý I/2021, lợi nhuận của Sacombank đạt 1.428 tỷ đồng so tới 3 tháng đầu năm nay, mức này đạt 2.424 tỷ đồng, giúp Sacombank giữ vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng.
LienvietPostBank 3 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận 1.112 tỷ đồng giữ vị trí thứ 9 song tới quý đầu năm nay giảm 2 bậc xuống vị trí thứ 11 dù lợi nhuận đã tăng trưởng lên tới 61%.
Tổng lợi nhuận của 15 ngân hàng dẫn đầu ngành cho tới thời điểm hiện tại đạt tới 64.834 tỷ đồng, tương ứng 2,82 tỷ USD theo quy đổi, tăng tới 45%, tương ứng 20.166 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận