24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Vũ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự báo lợi nhuận quý III: Ngân hàng có thêm một mùa 'bội thu'

Triển vọng tích cực của nhóm ngân hàng những tháng cuối năm

Trong quý III, hầu hết các ngân hàng được SSI Research dự báo tiếp tục thu lãi lớn, dẫn đầu là TPBank với mức tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo sau là Techcombank với mức tăng dự kiến hơn 35,7%.

Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính lợi nhuận quý III của 32 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận và 15 doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận sụt giảm.

Dẫn đầu về số lượng và tốc độ tăng trưởng là nhóm ngân hàng, bao gồm 7 đơn vị là ACB, CTG, MBB, TCB, TPB, VCB, VPB. Theo sau đó là ngành thép, cảng biển, công nghiệp hóa chất, công nghệ... với sự xuất hiện của một số "ông lớn" như HPG, HSG, DCM, DGC, FPT, GMD, HAH...

Ở chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh tăng trưởng âm trong quý III phần lớn là các ngành chịu tác động trực tiếp của làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư, chẳng hạn như ngành bán lẻ, hàng không...

Các ngân hàng tiếp tục lãi lớn

Theo báo cáo của SSI Research, vị trí quán quân tăng trưởng quý III thuộc về Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) với dự phóng lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi đạt mức cao, lần lượt ước tăng 16% và 14,2% so với hồi đầu năm. Biên lãi ròng (NIM) của TPB duy trì ở mức trên 4,5%.

Như vậy lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của TPB sẽ đạt 4.400 tỷ đồng, tăng trưởng 45,3% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) cũng là một trong số các ngân hàng được SSI Research kỳ vọng ghi nhận sức bật mạnh mẽ nhất trong quý III. Nhóm phân tích này đưa ra mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn 35,7% so với cùng kỳ, đạt 5.200 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của TCB được dự báo ở mức khá cao, xấp xỉ 16% so với hồi đầu năm.

Sau 9 tháng, TCB có thể sẽ thu về 16.700 tỷ đồng lãi trước thuế, cao hơn 56,2% con số đạt được cùng giai đoạn năm ngoái. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường đã giảm xuống mức thấp từ quý III/2020 và duy trì cho đến nay. TCB được cho là đã tận dụng tốt nguồn CASA dồi dào, cùng với khả năng cân đối chi phí vốn thấp và triển khai hiệu quả chào bán trái phiếu ra công chúng, giúp NIM và thu nhập từ phí cải thiện.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, HoSE: MBB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) được dự báo đạt mức tăng lợi nhuận trong khoảng 10 - 15% trong quý III và tốc độ tăng trưởng chậm dần so với quý liền trước.

Nguyên nhân chủ yếu bào mòn lợi nhuận là do các ngân hàng đã thực hiện gói giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng đã và đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.

Đáng chú ý, SSI Research cho rằng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) sẽ chỉ thu về 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài việc cắt giảm lãi suất cho khách hàng, ngân hàng này còn phải tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao hơn sau giai đoạn giãn cách xã hội dài ngày tại miền Nam. Dù vậy, các khoản vay tái cơ cấu có thể tăng thêm, song tỷ lệ nợ xấu của VCB vẫn ở mức dưới 1%, theo SSI Research.

"Sóng" tăng của thép, cảng biển, hóa chất chưa hết

SSI Research dự báo "sóng" tăng của ngành thép vẫn chưa dứt, với sự lớn mạnh của hai trụ cột chính là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG). Ước tính lợi nhuận ròng đạt được trong 3 tháng vừa qua của hai "ông lớn" này là 8.700 tỷ đồng và 950 tỷ đồng, lần lượt tăng 131% và 110% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng và giá bán trung bình của các sản phẩm thép tăng cao.

Tương tự, ngành công nghiệp hóa chất cũng được hưởng lợi khi giá bán trung bình của mặt hàng như phân bón, nhiên liệu... tiếp tục xu hướng tăng. Nhóm phân tích SSI ước tính lợi nhuận của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) là 300 tỷ đồng (trước thuế), tăng trưởng 173% cùng kỳ; đối với Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) là 430 tỷ đồng (sau thuế), tăng trưởng 82%.

Dịch Covid-19 cũng đem lại cơ hội cho ngành cảng biển. Tình trạng tắc nghẽn cảng đang ngày càng trầm trọng hơn tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, đã đẩy giá cước vận tải, thuê tàu container lên rất cao.

Trong bối cảnh đó, SSI Research ước tính lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) là 80 tỷ đồng trong quý III, cao hơn 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Với Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD), nhờ sản lượng qua cảng tại khu vực Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng tốt do từ các cảng khu vực phía Nam dồn về, ước tính lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sẽ tăng trên 20% lên gần 180 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp quen thuộc khác với nhà đầu tư như Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2), Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK), Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) hay "tân binh" mới lên sàn là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE: TNH) cũng được kỳ vọng có lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III.

Bán lẻ, xăng dầu gặp khó

Trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn ra trong quý III, SSI Research đưa ra dự báo thận trọng đối với các ngành như bán lẻ, xăng dầu, hàng không... - nhóm ngành chịu tác động trực diện và mạnh mẽ nhất khi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Trong đó, SSI Research cho rằng kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) - nhà bán lẻ trang sức - "lao đao" nhất khi doanh thu thuần suy giảm đến 71% so với cùng kỳ và lỗ ròng 140 tỷ đồng, hoàn toàn trái ngược với khoản lãi hơn 200 tỷ đồng vào quý III/2020.

Đây là kết quả đã được dự báo trước, khi mà PNJ đã phải đóng cửa đến 274 cửa hàng (chiếm 82% tổng số cửa hàng) trong quý, trước tình trạng phong tỏa dài hạn ở các tỉnh/thành phố phía Nam.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, khi số lượng cửa hàng Điện máy Xanh, Thế giới Di động buộc phải đóng cửa đã lên tới 2.000 đơn vị trong tháng 7 và 8. Dù vậy, nhờ mảng bách hóa hưởng lợi từ hiện tượng tích trữ hàng tiêu dùng, MWG phần nào sẽ thu hẹp mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế, ước tính xuống còn 709 tỷ đồng trong quý III, tương ứng giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Ông lớn" ngành thịt Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) dự kiến cũng ghi nhận lợi nhuận giảm khá mạnh trong quý III (giảm 64% so với cùng kỳ), còn 138 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt, tuy nhiên do giá lợn hơi lao dốc và giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã" đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Đại dịch cũng làm lu mờ những tín hiệu khả quan của giá dầu Brent từ đầu năm đến nay, do đó, một số doanh nghiệp liên quan như Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) vẫn được SSI Research đưa vào nhóm tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý III.

Đối với GAS, nguyên nhân chính là do sản lượng khí bán cho khách hàng khu công nghiệp trong quý khá sa sút, ước giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy dù giá dầu nhiên liệu và LPG tăng đáng kể, song lợi nhuận ròng của GAS được dự báo giảm 18% xuống còn 1.700 tỷ đồng. Ở PVS, ước tính lợi nhuận trước thuế chỉ còn 200 tỷ đồng, giảm 29% cùng kỳ.

Tình hình của "ông trùm" cảng hàng không ACV cũng khá bi đát trong quý III. SSI Research cho rằng ACV sẽ gánh một khoản lỗ trong khi hoạt động vận tải hàng không đều "đóng băng", các máy bay đều đắp chiếu hàng tháng trời nhưng doanh nghiệp vẫn cần duy trì chi phí hoạt động tại tất cả các sân bay.

Nằm trong danh sách kém tích cực của SSI Research còn có các doanh nghiệp tầm cỡ khác như Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
119.70 +0.20 (+0.17%)
35.00 (0.00%)
26.25 -0.30 (-1.13%)
37.90 +0.50 (+1.34%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả