Đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp cao su giảm lãi trong năm 2022
Theo kết quả thống kê, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 tăng so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất cao su không những không tăng trưởng mà còn đi lùi.
Cụ thể, thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 ước đạt 3.31 tỷ USD, sản lượng 2.14 triệu tấn, tăng 2.16% so với năm 2021; trong đó, sản phẩm từ cao su ước đạt 1.08 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo thống kê từ VietstockFinance, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của 10 doanh nghiệp sản xuất cao su trên sàn trong năm 2022 lại lần lượt giảm hơn 3% và 4% so với năm 2021, ghi nhận khoảng 31,160 tỷ đồng và 5,508 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của 10 doanh nghiệp kinh doanh mủ cao su trên sàn
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh mủ sao su sụt giảm trong năm 2022 chính là sự biến động về tỷ giá trong năm qua. Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về giá trị xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên nên vấn đề tỷ giá đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh đô la Mỹ tăng giá mạnh dưới ảnh hưởng của lạm phát, chi phí tài chính của phần lớn các doanh nghiệp cao su đều tăng lên đáng kể do lỗ chênh lệch tỷ giá, bào mòn kết quả kinh doanh.
Doanh nghiệp đại diện cho ngành cao su Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) báo lãi giảm đã cho thấy ảnh hưởng của vấn đề tỷ giá cũng như những khó khăn mà ngành cao su gặp phải trong năm qua.
Cụ thể, dù ghi nhận lợi nhuận khác 1,351 tỷ đồng nhờ nhận tiền bồi thường sau khi giao đất làm KCN, GVR vẫn báo lãi ròng giảm 8% so với năm trước, với 3,819 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu của Công ty giảm 3% (còn 25,315 tỷ đồng) nhưng giá vốn lại tăng 3%, khiến lãi gộp giảm đến 18%, còn 6,210 tỷ đồng.
Ngày 28/12/2022, HĐQT GVR thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt giảm 5% và 24% so với con số được thông qua trước đó. Về nguyên nhân điều chỉnh, GVR đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, thị trường chứng khoán có nhiều biến động, chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao. Thứ hai là các đơn vị thành viên Tập đoàn chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thứ ba, Công ty phải lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào, do sự suy giảm giá trị Kip Lào trong kỳ lập báo cáo.
Kết quả thực hiện mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022
(*) Lợi nhuận so sánh là lợi nhuận trước thuế. Các doanh nghiệp còn lại là lợi nhuận sau thuế.
Nguồn: VietstockFinance
Mặt khác, với những doanh nghiệp cao su có thể báo lãi tăng trong năm 2022 như Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) thì nguồn thu phần lớn từ các khoản đền bù khi giao đất làm KCN. Cụ thể, PHR ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 696 tỷ đồng sau khi bàn giao đất để thực hiện dự án KCN Việt Nam - Singapore III do Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư, trong khi lãi ròng cả năm của Công ty là 887 tỷ đồng.
Về phần kinh doanh cao su, tương tự GVR, giá vốn của PHR cũng giảm chậm hơn doanh thu, khiến lãi gộp giảm 24%, chỉ còn 390 tỷ đồng.
Doanh nghiệp săm lốp vượt khó
Doanh nghiệp săm lốp ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2022
Trái ngược với các doanh nghiệp kinh doanh mủ cao su, các doanh nghiệp săm lốp lại thể hiện bộ mặt khá tích cực trong năm 2022 dù cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Cụ thể, tổng doanh thu thuần và lãi ròng năm 2022 của 3 doanh nghiệp săm lốp trên sàn gồm CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) và CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) lần lượt tăng 9% và 11% so với năm trước, đạt 11,135 tỷ đồng và 415 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp săm lốp trong năm 2022
Nguồn: VietstockFinance
Kết quả trên được xem là khá bất ngờ khi năm 2022 được dự báo là năm khó khăn của doanh nghiệp săm lốp. Tiêu biểu nhất có lẽ là việc tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc bị áp thêm thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá, sau khi Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) đưa ra kết luận về cuộc điều tra đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam từ quý 2/2021 đến nay.
Cụ thể, DOC kết luận lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam được trợ cấp không bình đẳng thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực. Do đó, DOC áp thuế chống trợ cấp lần lượt 7.89% và 6.23% đối với lốp ô tô từ 2 công ty Kumho Tire (Việt Nam) Co. Ltd. và Sailun (Vietnam) Co. Ltd. Các doanh nghiệp còn lại đều bị áp mức thuế suất chung 6.46%. Ngoài ra, lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn bị áp thêm thuế chống bán phá giá 22.3%.
Tuy nhiên, năm 2022 lại là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp săm lốp lấy lại phong độ do không còn bị kìm kẹp bởi dịch bệnh. CSM là doanh nghiệp săm lốp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất ngành với 88%, đạt 79 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này có được phần lớn là do mức nền thấp của năm 2021 khi CSM lần đầu báo lỗ trong quý 3/2021 do phải tăng chi phí nhằm đảm bảo điều kiện làm việc “3 tại chỗ” theo quy định.
Dù không tăng trưởng mạnh như CSM, lợi nhuận ròng của DRC cũng tăng trưởng ở mức 6%, đạt 308 tỷ đồng. Mặt khác, ngày 28/12/2022 vừa qua, DRC đã công bố nghị quyết HĐQT chấp thuận huy động vốn tại các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính để thực hiện dự án nâng công suất nhà máy sản xuất lốp xe tải radial với tối đa vốn vay là 597.7 tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư 916 tỷ đồng và tổng diện tích đất 109,632m2. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm 2 nguồn: Vốn tự có của doanh nghiệp (318.3 tỷ đồng) và vốn vay (597.7 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành, công suất hoạt động của nhà máy dự kiến sẽ đạt 1 triệu lốp/năm.
Tuy nhiên, cần lưu ý là kết quả tăng trưởng của các doanh nghiệp săm lốp phần lớn đến từ mức nền thấp của năm trước. Còn về hoạt động sản xuất và kinh doanh săm lốp, biên lãi gộp của các doanh nghiệp săm lốp trong năm 2022 đều giảm so với năm 2021.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp cao su và săm lốp
Nguồn: VietstockFinance
Về sức khỏe tài chính, với việc hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cao su cũng đã chủ động giảm số nợ vay. Ngược lại, với việc có thể hoạt động sản xuất bình thường sau một năm khó khăn vì đại dịch, số nợ vay của các doanh nghiệp săm lốp lại có xu hướng tăng cao.
Giá trị nợ vay của các doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022
Nguồn: VietstockFinance
Tương tự đối với hàng tồn kho, trong khi tất cả các doanh nghiệp săm lốp đều tích cực tăng tồn kho nguyên liệu và thành phẩm, phần lớn các doanh nghiệp cao su đều có động thái giảm giá trị hàng tồn kho khi thị trường không thuận lợi.
Giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường