24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp thủy sản “đón sóng” vượt đại dương

Trước con sóng hồi phục, các doanh nghiệp thủy sản đã tìm ra những cách khác nhau để vượt đại dương, tăng xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng đang tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn ngành. Trước con sóng hồi phục, các doanh nghiệp thủy sản đã tìm ra những cách khác nhau để vượt đại dương, tăng xuất khẩu.

*Dư địa lớn

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng tạo ra tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản.

Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2 kg vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 20,5 kg trong giai đoạn 2018 -2020. Tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020 - 2030. Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá được sử dụng cho con người, so với 53% trong giai đoạn 2018 - 2020.

Dự kiến sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục, được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm, cùng với việc người tiêu dùng ngày càng công nhận thủy hải sản là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. Mức tiêu thụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới.

Sự phục hồi của ngành dịch vụ thực phẩm ở Mỹ sẽ hỗ trợ tiêu thụ thủy sản vào năm 2022. Hiệp hội các nhà sản xuất dịch vụ ăn uống quốc tế (IFMA) dự kiến năm 2022, ​tăng trưởng ngành dịch vụ thực phẩm đạt 4,9% so với năm 2021.

Hơn nữa, chi tiêu tiêu dùng thực phẩm tại phân khúc nhà hàng năm 2022 được dự báo sẽ gần trở lại mức 2019 và tăng 8% so với năm 2021. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng thực phẩm tại siêu thị trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng 7,8% so với năm 2021 lên 38,8 tỷ USD, tương đương với mức 119% của năm 2019. Do đó, sự phục hồi nhu cầu tại các nhà hàng và tăng trưởng nhu cầu thực phẩm tại siêu thị vào năm 2022 sẽ hỗ trợ tiêu thụ thủy sản ở Mỹ.

Do Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm và cá tra lớn nhất của Việt Nam, sự phục hồi của ngành dịch vụ ăn uống được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam.

Theo dự báo của OECD và FAO, đơn giá sản xuất thủy sản nuôi trồng trên danh nghĩa sẽ tiếp tục tăng trưởng 15% từ năm 2021 đến năm 2030. Năm 2022, giá một đơn vị thủy sản nuôi trồng dự kiến sẽ tăng 6,3% lên khoảng 3.200 USD/tấn.

Trong khi đó, thực giá của thủy sản nuôi trồng được dự báo sẽ phục hồi trong ngắn hạn vào năm 2022 và 2023, sau đó giảm từ năm 2024 trở đi để phản ánh nguồn cung tăng do sản lượng nuôi trồng tăng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022.

Các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh sản xuất linh hoạt để phù hợp với đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường Mỹ.

Trong 11 tháng năm 2021, Mỹ nhập khẩu hơn 726 nghìn tấn tôm tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

VASEP nhận định, xuất khẩu tôm sang Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2022 do Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 sẽ giúp nước này chiếm được thị phần tại thị trường Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021, đã nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các nước đối thủ khác; trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) hỗ trợ Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại EU vào năm 2022.

Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam là ba nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang EU. So với Ấn Độ, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ thuế xuất khẩu. Theo EVFTA, đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, thuế suất đối với tôm sú là 0%, trong khi thuế đối với tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% cho đến năm 2025.

Các chuyên gia từ PHS cho biết, Ecuador tập trung vào sản phẩm tôm có vỏ và không đầu, trong khi Việt Nam nổi tiếng là nhà cung cấp đối với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương và sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này tạo dư địa cho Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU. Hơn nữa, khi Ecuador phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng mạnh, điều này sẽ cân bằng sức cạnh tranh trên “sân chơi” xuất khẩu vào EU trong năm 2022.

Không chỉ thuận lợi với xuất khẩu tôm, VASEP ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 cũng sẽ đạt mục tiêu khoảng 1,65 tỷ USD, tương ứng mức tăng 7% so với năm 2021.

Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,6% so kế hoạch.

*Doanh nghiệp tìm đường vượt đại dương

Theo PHS, dù các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn ngành, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra đã tìm ra những cách khác nhau để vượt qua đại dương.

Các công ty xuất khẩu tôm gần đây đã mở rộng năng lực sản xuất, điều này hỗ trợ những công ty này hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì đang hoàn thiện chuỗi giá trị, được hưởng lợi từ thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Mỹ và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.

Doanh nghiệp thủy sản “đón sóng” vượt đại dương
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số doanh nghiệp ngành thủy sản báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021.

Điển hình như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) đã công bố kết quả kinh doanh ước thực hiện 2021. Cụ thể, doanh thu của công ty ước đạt hơn 4.850 tỷ đồng, bằng 112% so năm 2020. Lợi nhuận ước đạt trên 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so năm 2020. Đây là con số lãi cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động của công ty.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, năm 2021 là năm thành công nhất trong lịch sử 10 năm nuôi tôm của doanh nghiệp, góp phần bù đắp cho mảng chế biến của công ty trong năm vừa qua.

Với kết quả khả quan, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta dự kiến ngay sau Tết, trại tôm sẽ bắt đầu thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới; trong đó có tăng thêm diện tích nuôi 52 ha là dự án được UBND tỉnh giao công ty thành viên là Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An.

Năm 2022, doanh nghiệp sẽ đưa Nhà máy thủy sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến tôm Tam An, công suất 5.000 tấn/năm vào hoạt động. Từ đó, nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gia tăng được sản lượng đáng kể để đón đầu xu thế tăng trưởng khi bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới.

Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cá tra Việt Nam được nhận định là có thuận lợi xuất khẩu sang Mỹ, do hưởng thuế suất xuất khẩu sang nước này thấp hơn các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế suất là 0%. Với mức thuế này, doanh nghiệp có lợi thế để mở rộng thị trường Mỹ dễ dàng hơn các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKFTA), do có vị thế đầu ngành nên doanh nghiệp có nguồn lực kinh doanh và sản xuất mạnh.

Ghi nhận tại bản tin IR (quan hệ đầu tư) tháng 11/2021 của doanh nghiệp này, doanh thu xuất khẩu tháng 11/2021 đạt 912 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với tháng 10/2021. Đây là mức doanh thu cao nhất theo tháng tính từ đầu năm đến nay. Tính chung 11 tháng năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 8.118 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng đạt được, cùng những kỳ vọng bứt phá trong tương lai, cổ phiếu ngành thủy sản tăng rất mạnh trong năm qua.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2021, mức tăng chung của cổ phiếu ngành thủy sản đạt 54,3%, cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index tới hơn 20,5%.

Các doanh nghiệp có hiệu quả tốt nhất gồm IDI tăng 98%, FMC tăng 58, VHC tăng 56%, MPC tăng 53%, ANV tăng 41% và CMX tăng 22%./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
17.70 -0.20 (-1.12%)
7.71 -0.03 (-0.39%)
46.00 +0.15 (+0.33%)
8.16 -0.04 (-0.49%)
71.60 -0.30 (-0.42%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả