Doanh nghiệp đặt kế hoạch, mục tiêu nào cho năm 2020?
Ngay từ những ngày đầu năm, các DN đã cấp tập lên kế hoạch và mục tiêu kinh doanh cho năm 2020.
Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cho biết, các mảnh ghép chiến lược trung hạn đã được hoàn chỉnh sau thương vụ sáp nhập VinCommerce và công bố chào mua công khai đa số cổ phần Công ty CP Bột giặt Net.
Năm 2020 sẽ là năm Masan tập trung cho hoạt động thực thi để hoàn thiện danh mục các sản phẩm cao cấp và sản phẩm đồ uống
Năm 2020 sẽ là năm Masan tập trung cho hoạt động thực thi để hoàn thiện danh mục các sản phẩm cao cấp và sản phẩm đồ uống, tạo động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số; Tăng quy mô ngành thịt, qua đó mảng thịt chiếm ít nhất từ 20-25% doanh thu thuần của Masan MEATLife (MML); Hoạch định lộ trình cụ thể để đưa VinCommerce (“VCM”) đạt lợi nhuận và số hóa toàn bộ nền tảng bán lẻ; và phát huy sức mạnh hiệp lực của nền tảng từ sản xuất đến bán lẻ để mang đến lợi ích cho người tiêu dùng.
Hiện thực hóa mục tiêu này là các kế hoạch cụ thể, năm 2020, các ưu tiên của VCM là tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận. Phát triển mô hình thành công cho các tỉnh thành ngoài Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu. Đóng cửa từ 150 – 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng. Gia tăng mức đóng góp sản phẩm tươi sống từ 30% lên 35% thông qua VinEco và MEATDeli, qua đó sở hữu định vị giá trị “tươi ngon và chất lượng”. Ứng dụng nền tảng công nghệ: quản lý hàng tồn kho theo thời gian thực và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng.
Năm 2020, Masan cũng sẽ gia nhập ngành hàng Chăm sóc cá nhân và Gia đình bằng cách công bố chào mua công khai đến 60% cổ phần Công ty CP Bột giặt Net (HOSE: NET). Uu tiên trong năm 2020 sẽ là đẩy mạnh phân phối các sản phẩm NET thông qua mạng lưới phân phối toàn quốc của Masan và phát triển danh mục sản phẩm vượt trội.
Tập đoàn Bảo Việt - dùng hơn 173 triệu USD từ thương vụ phát hành thành công cổ phần cho Sumitomo Life kinh doanh, mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông
Tập đoàn Bảo Việt phát hành thành công 41.436.330 cổ phần BVH cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life). Như vậy, Sumitomo Life đã đầu tư 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm cổ phần BVH, tương đương 5,91% vốn điều lệ hiện hành, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - đơn vị tư vấn thương vụ phát hành riêng lẻ của Tập đoàn Bảo Việt, thương vụ hoàn thành sau 6 tháng triển khai (ngày 18 tháng 12 năm 2019) là một khoảng thời gian ngắn kỷ lục đối với một dự án tăng vốn tương tự và thu được thặng dư lớn. Thương vụ trở thành tâm điểm của thị trường bảo hiểm những ngày cuối năm 2019 và được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện bảo hiểm - chứng khoán nổi bật năm 2019.
Thông qua thương vụ, Bảo Việt phát hành thêm 41.436.330 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tổng số vốn điều lệ của Bảo Việt lên mức 7.423 tỷ đồng. Với số tiền thu được từ thương vụ phát hành riêng lẻ lần này, Bảo Việt dự kiến sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông: tăng cường năng lực tài chính, phát triển hoạt động kinh doanh cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và bổ sung vốn lưu động. Việc tăng cường đầu tư giữa hai định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam - Nhật Bản mang lại lợi ích chung cho cộng đồng các doanh nghiệp, thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của nhà đầu tư Nhật Bản vào thị trường tài chính - bảo hiểm Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của thị trường này nói chung, sự phát triển bền vững của Bảo Việt nói riêng.
Kienlongbank chào bán cổ phiếu Sacombank ngay trong tháng 1/2020
Về kết quả kinh doanh năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 86 tỷ đồng, giảm 204 tỷ đồng, tương đương giảm 70,38% so với năm 2018.
Theo giải thích của Ban lãnh đạo Kienlongbank, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 giảm trong khi tất cả các chỉ tiêu khác đều tăng trưởng cao, là do trong tháng 12 năm 2019 Kienlongbank hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo Phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm, căn cứ nguồn tiền thu được, Kienlongbank sẽ ghi nhận lại vào thu nhập trên Báo cáo tài chính trong thời gian tới.
Kienlongbank chào bán cổ phiếu Sacombank ngay trong tháng 1/2020 và dự kiến hoàn tất trong năm 2020
Trong năm 2019, Kienlongbank đã hoàn thành việc tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC và sẽ không phải trích lập dự phòng cho loại trái phiếu này kể từ ngày 1/1/2020, qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho Kienlongbank trong thời gian sắp tới.
Năm 2020, Kienlongbank đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có kế hoạch xử lý các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo đó, Kienlongbank sẽ tiến hành chào bán số cổ phiếu nêu trên ngay trong tháng 1 năm 2020 và dự kiến hoàn tất trong năm 2020.
Hiện tại, Kienlongbank đã nhận được đầy đủ hợp đồng ủy quyền có công chứng từ các khách hàng vay và chủ sở hữu tài sản về việc đồng ý cho Kienlongbank thực hiện chào bán tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank để thu hồi nợ, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm để thu hồi nợ sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020.
Kienlongbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 750 tỷ đồng và sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua trong kỳ họp thường niên năm 2020, tạo nền tảng vững chắc để Kienlongbank tiếp tục phát triển an toàn và hiệu quả trong thời gian sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận