Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Theo Chứng khoán MBS, nhu cầu điện tại Việt Nam giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng 10,3% - 12,5% mỗi năm, thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, thủy điện tích năng và hạ tầng điện. Việc điều chỉnh Quy hoạch điện 8 lùi 13,5GW điện khí và 6GW điện gió sang sau 2030 mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp như REE, HDG, GEG, PC1 và TV2.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán MB (MBS), nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều năm, với tốc độ trung bình khoảng 8% giai đoạn 2016-2020 và 7,2% trong giai đoạn 2021-2024. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ này có phần chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
MBS nhận định năm 2024 sẽ đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ khi nền kinh tế Việt Nam trở lại đà tăng trưởng, kéo theo nhu cầu điện gia tăng đáng kể. Tổng công suất điện đã tăng gần gấp đôi từ 2016 đến nay, đạt khoảng 75GW (không tính điện áp mái), chủ yếu nhờ sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng công suất nguồn điện đang giảm dần, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2024 khi tiến độ phát triển nguồn cung chững lại.
MBS cảnh báo rủi ro thiếu điện có thể xuất hiện vào các tháng cao điểm từ năm 2025 trở đi, khi nhu cầu điện dự báo tăng trưởng 12%/năm nhằm đáp ứng mục tiêu kinh tế của Chính phủ.
Điều chỉnh Quy hoạch điện 8: Những thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn điện
Ngày 19/2/2025, Hội đồng thẩm định đã thông qua “Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện 8”, mở đường cho Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt. Các kịch bản phát triển công suất nguồn điện được điều chỉnh theo từng mức tăng trưởng GDP, với nhiều thay đổi đáng chú ý:
Kịch bản cơ sở: Dự báo tiêu thụ điện tăng 10,3%/năm trong giai đoạn 2026-2030, tập trung vào khu vực miền Bắc.
Kịch bản cao: Nếu GDP tăng 10%/năm, tiêu thụ điện có thể tăng 12,5%/năm, cao hơn 53 tỷ kWh so với dự báo cũ.
Kịch bản cao đặc biệt: GDP tăng 10,1% đến 2030, sau đó duy trì 10%/năm đến 2050, đẩy nhu cầu tiêu thụ điện lên mức cao hơn 430 tỷ kWh so với dự báo trong Quy hoạch điện 8 ban đầu.
Trong giai đoạn 2025-2030, Quy hoạch điện 8 điều chỉnh có những thay đổi quan trọng:
Lùi 13,5GW điện khí và 6GW điện gió ngoài khơi sang sau 2030, giúp giảm áp lực đầu tư trong ngắn hạn.
Tăng cường phát triển NLTT, thủy điện tích năng và hệ thống pin lưu trữ, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than.
Các dự án LNG như Nhơn Trạch 3,4 (1.624 MW) và LNG Hiệp Phước (1.200 MW) vẫn tiếp tục triển khai, dự kiến hoàn thành sau năm 2025.
Hạ tầng lưới điện truyền tải gặp nhiều vướng mắc, do thủ tục pháp lý phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ và chi phí nguyên vật liệu gia tăng.
Doanh nghiệp hưởng lợi từ Quy hoạch điện 8 điều chỉnh
MBS đánh giá, những điều chỉnh này sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh cho ngành điện, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTT và phát triển hạ tầng điện. Các doanh nghiệp đáng chú ý gồm:
Nhà thầu xây dựng & tư vấn thiết kế: PC1, TV1, TV2 sẽ hưởng lợi từ khối lượng công việc tăng khi các dự án mới được triển khai.
Nhóm NLTT: REE, HDG, GEG sẽ mở rộng công suất nhà máy và đẩy nhanh đầu tư nhờ chính sách hỗ trợ.
Các doanh nghiệp nhiệt điện: Dù tập trung phát triển NLTT, nhiệt điện vẫn đóng vai trò quan trọng đến 2030, hưởng lợi từ nhu cầu huy động điện tăng.
Báo cáo của MBS cho thấy điều chỉnh Quy hoạch điện 8 đang tạo ra sự chuyển dịch lớn trong chiến lược phát triển ngành điện, tập trung vào NLTT, thủy điện tích năng và hệ thống lưu trữ điện. Dự báo tiêu thụ điện tăng trung bình 10,3% - 12,5% đến 2030 sẽ thúc đẩy ngành điện phát triển mạnh, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Dù vậy, bài toán lưới điện truyền tải vẫn là thách thức lớn cần giải quyết, nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường