Điện gió vào kỳ thấp điểm, GEG lỗ ròng 27 tỷ đồng
Quý 3/2024, CTCP Điện Gia Lai (GEC, HOSE: GEG) lỗ ròng hơn 27 tỷ đồng. Việc điện gió vào kỳ thấp điểm, doanh thu từ điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) đang lấy giá bán điện tạm thời bằng 50% giá trần và gánh nặng chi phí tài chính là các nguyên nhân dẫn đến thua lỗ.
Kết quả kinh doanh GEG trong quý 3/2024
Nguồn: VietstockFinance
Cụ thể, GEG báo doanh thu thuần đạt 543 tỷ đồng trong quý 3, thấp hơn cùng kỳ 4%. Ngược lại, giá vốn tăng 12% nên sau khấu trừ, lãi gộp còn 237 tỷ đồng, giảm 19%.
Điểm tích cực là chi phí tài chính giảm 8%, nhưng vẫn neo cao ở mức 231 tỷ đồng. Khoản chi phí này đã khiến Doanh nghiệp lỗ ròng 27 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 14 tỷ đồng).
Thực tế, quý 3 hàng năm được xem là thấp điểm với các dự án điện gió của GEG do điều kiện thời tiết. Trong khi đó, các nhà máy điện gió chuyển tiếp vẫn ghi nhận theo mức giá bán điện tạm thời của Bộ Công Thương (bằng 50% giá trần của khung giá phát điện Nhà máy điện gió trên biển), phần chưa ghi nhận doanh thu giá điện ước khoảng 57 tỷ đồng, nên doanh thu chưa phản ánh đúng thực tế. Ngoài ra, 3 dự án điện gió của GEG (TPĐ1, TPĐ2, VPL) chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nợ vay, dẫn đến chi phí tài chính neo cao và tạo ra khoản lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, GEG đạt doanh thu gần 1.8 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Sản lượng điện 9 tháng đạt hơn 1 tỷ kWh, tăng 16%, với đóng góp lớn từ điện gió (51% cơ cấu sản lượng, 49% cơ cấu doanh thu). Mảng điện mặt trời cho sản lượng 308 triệu kWh (688 tỷ đồng), đạt 31% cơ cấu sản lượng và 40% doanh thu. Đối với thủy điện, sản lượng và doanh thu 9 tháng đạt lần lượt 187 triệu kWh và 199 tỷ đồng.
Với khoản lỗ quý 3, lãi ròng 9 tháng giảm về 84 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 3%. Doanh nghiệp thực hiện được 41% kế hoạch lãi trước thuế ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của GEG đạt hơn 16 ngàn tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, gần 2.06 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, tăng 41%. Tổng lượng tiền nắm giữ đạt hơn 1.1 ngàn tỷ đồng, gấp 2.4 lần đầu năm.
Phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm 17%, còn 393 tỷ đồng, với phần lơn là khoản phải thu từ Công ty Mua bán điện của EVN.
Chi phí xây dựng cơ bản giảm 25%, còn hơn 270 tỷ đồng, do không còn ghi nhận chi phí từ 2 dự án điện gió Salavan tại Lào và điện mặt trời mái nhà TTCIZ.
Bên nguồn vốn, tổng nợ phải trả khoảng 10.2 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Phần lớn trong đó là nợ vay dài hạn với hơn 8.9 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ. Nợ ngắn hạn chỉ gần 1.3 ngàn tỷ đồng, giảm 24%. Các hệ số thanh toán nợ đều lớn hơn 1, cho thấy khả năng đáp ứng thanh toán các khoản nợ tới hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường