Để chứng khoán là kênh huy động vốn bền vững, không phải sản phẩm đầu cơ
Tại các quốc gia phát triển, thị trường chứng khoán thường chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu vốn của nền kinh tế, trong khi tỉ lệ này ở Việt Nam lại chỉ ở mức thấp. Bình quân mỗi năm kênh này chỉ huy động được khoảng 100 nghìn tỉ đồng, tương đương với năng lực một ngân hàng tầm trung.
Huy động vốn chỉ tương đương 1 ngân hàng tầm trung
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, quy mô thị trường tài chính Việt Nam phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm (gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế). Về đặc điểm, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò chi phối và nền tài chính vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng. Việc này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, việc các kênh huy động vốn dài hạn vẫn chưa hoạt động hiệu quả là một vấn đề đáng lưu ý.
Riêng với thị trường cổ phiếu, dù vốn hóa thường bằng 60 - 90% GDP, song năng lực huy động vốn vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể, bình quân mỗi năm kênh này chỉ huy động được khoảng 100 nghìn tỉ đồng, tương đương với năng lực một ngân hàng tầm trung. Riêng năm ngoái thì chỉ được 10.000 tỉ đồng.
"Đây là một điều rất đáng quan ngại. Do đó, cần phải thúc đẩy các thị trường vốn này đặc biệt là chứng khoán theo hướng là một kênh huy động vốn chứ không phải là một nơi để đầu cơ. Kể cả thời kỳ hoàng kim, quy mô thị trường vẫn còn nhỏ so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Điều này cũng đồng nghĩa, thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển" - TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Đồng quan điểm, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, tương ứng mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô bởi vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.
Do đó bên cạnh tín dụng ngân hàng, ông Quang nhấn mạnh cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Để thị trường phát triển bền vững
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - cho biết, để phát triển thị trường chứng khoán thì cần hướng tới một trong 4 trụ cột chính là chất lượng hàng hoá, tức cần những doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng tốt. Đó là lý do vì sao việc nâng cao chất lượng quản trị theo hướng áp dụng các công nghệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị chính là những vấn đề UBCKNN hướng tới.
Về phía UBCKNN đang cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Đơn cử với thị trường phái sinh, một trong những lý do khiến thị trường này có những biến động mạnh trong thời gian qua là vì số lượng hàng hoá vẫn còn quá ít, chỉ có mỗi một sản phẩm. Do đó, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100, hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.
Để hỗ trợ cho những sản phẩm trên, cơ quan quản lý sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ KRX, hệ thống này không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới mà còn hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong giám sát thị trường dựa trên ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, UBCKNN đang tích cực trong việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong nghị định này có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục và UBCKNN cố gắng chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận