Dầu khí quý 3: Bùng nổ trên nền thấp
Quý 3/2023, các doanh nghiệp mảng dầu khí, xăng dầu tự tin báo kết quả tăng trưởng, nhưng một phần cũng nhờ mức nền quá thấp vào cùng kỳ.
Tại quý 3/2023, giá dầu chuyển động khác so với cùng kỳ. Giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 30% từ mức đáy vào tháng 6/2023 và đạt 96.5 USD/thùng vào cuối tháng 9/2023. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm 2022, giá dầu giảm từ 112.7 USD/thùng còn 89.87 USD/thùng trong trung bình tháng 6 tới trung bình tháng 9.
Chuyển động ngược của giá dầu trong 2 kỳ kinh doanh, cùng các biến động trong cracking spread (chênh lệch giá dầu thô và thành phẩm), về tỷ giá và nền kinh tế thế giới dường như mang lại nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực cho các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đã công bố BCTC trong ngành ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực. Nhiều doanh nghiệp lãi khủng hoặc chuyển lỗ thành lãi. Dẫu vậy, vẫn có những cái tên đi ngược lại xu hướng.
Ông lớn bùng nổ
4 ông lớn “top ngành” đều ghi nhận kết quả tích cực trong quý 3.
Các ông lớn đều có kết quả ấn tượng trong quý 3/2023
Dẫn đầu là BSR, với khoản lãi gần 3.3 ngàn tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ, trong khi doanh thu sụt giảm nhẹ. Doanh nghiệp cho biết, giá dầu thô biến động tăng tại quý 3/2023, trong khi cùng kỳ sụt giảm là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, cracking spread trong quý 3 năm nay cũng tốt hơn so với cùng kỳ.
Cũng với nguyên nhân tương tự, PV Oil (UPCoM: OIL) chuyển lỗ thành lãi thành công với khoản lợi nhuận 219 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 319 tỷ đồng). Bên cạnh đó, PV Oil cho rằng, việc một số đầu mối nhỏ đã tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh đã tạo điều kiện cho Doanh nghiệp mở rộng thị trường, làm gia tăng sản lượng tiêu thụ trong kỳ.
Petrolimex (HOSE: PLX) lãi gấp gần 7.5 lần cùng kỳ, ghi nhận 738 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3/2023. Tuy vậy, mức tăng này chủ yếu nhờ doanh thu tài chính, khi PLX ghi nhận khoản thu nhập từ việc thoái vốn khỏi PGB. Trong khi đó, hoạt động tại một số lĩnh vực khác không thuận lợi; khoản lợi nhuận từ các công ty con kinh doanh nhiên liệu bay, vận tải thủy vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngoài xăng dầu giảm mạnh so với cùng kỳ.
PV Gas (HOSE: GAS) là trường hợp duy nhất trong nhóm 4 ông lớn ghi nhận giảm lãi, còn gần 2.4 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu do mức nền năm trước đối với Doanh nghiệp là quá cao (lên tới hơn 3 ngàn tỷ đồng). Nếu so với cùng kỳ các năm trước đó, mức lợi nhuận của PV Gas cũng không chênh lệch nhiều.
Đa phần tăng trưởng
Phần lớn các doanh nghiệp dầu khí, xăng dầu trong quý 3 đều ghi nhận tăng lãi hoặc chuyển lỗ thành lãi.
Tình hình kinh doanh của nhóm xăng dầu - dầu khí trong quý 3/2023
PVD báo lãi hơn 150 tỷ đồng trong quý 3 (cùng kỳ lỗ gần 34 tỷ đồng), cũng là cái tên báo lãi cao nhất trong nhóm dầu khí đứng sau các ông lớn.
Doanh nghiệp khoan dầu của PVN cho biết, doanh thu trong kỳ tăng trưởng nhờ đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng và khối lượng công việc gia tăng. Ngoài ra, Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản thu nhập từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như Comeco (HOSE: COM) hay Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) cũng ghi nhận kỳ kinh doanh ấn tượng. Trong đó, COM từ lỗ 7.8 tỷ đồng trong quý 2/2022 thành lãi 14 tỷ đồng vào cùng kỳ năm nay. Chỉ số tác động chủ yếu vào lợi nhuận của COM là giá vốn giảm mạnh, nên dù doanh thu sụt giảm vẫn có thể ngược dòng và có lãi. Thậm chí, nhờ thành quả quý 3, bức tranh 9 tháng kinh doanh của COM cũng “ấm áp” hơn rất nhiều khi hoàn thành được 80% doanh thu và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023 (kết thúc quý 2, COM mới thực hiện được 7% mục tiêu lợi nhuận).
“Đại gia xăng dầu miền Tây” PSH lãi ròng 13 tỷ đồng tại quý 3 năm nay, gấp 2.2 lần cùng kỳ. Nguyên nhân nhờ vào việc “tiết giảm được nhiều khoản chi phí” - trích giải trình của Doanh nghiệp. Sau 9 tháng, PSH lãi ròng 280 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 242 tỷ đồng) và thực hiện được 78% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Nhiều cái tên khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần, như POS, PSB, PSC… Dẫu vậy, cũng có những cái tên giảm lãi. Như PVS (hay PTSC) lãi ròng 141 tỷ đồng trong quý 3, thấp hơn cùng kỳ 27%, do kết quả hoạt động của một số dịch vụ như cung ứng kho chứa, xử lý dầu thô, dịch vụ căn cứ cảng… giảm sút và chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng. Ngoài ra, khoản lợi nhuận khác sụt giảm do phát sinh chênh lệch tỷ giá từ việc ghi nhận giá trị bồi hoàn hợp đồng thuê và cho thuê FPSO cũng là nguyên nhân kéo lợi nhuận của PVS đi xuống.
Chỉ có 3 cái tên nhóm dầu khí phải báo lỗ trong kỳ. Lỗ nặng nhất là ASP với 16 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 17 tỷ đồng). Nguyên nhân giúp Doanh nghiệp giảm lỗ là sản lượng và doanh thu bán hàng tăng, giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh, nhưng các chi phí cũng bật tăng khiến Doanh nghiệp phải báo lỗ trong kỳ.
Giá dầu sẽ tăng vượt mức 90 USD/thùng?
Theo MBS, từ dữ liệu của Bloomberg, nhu cầu sử dụng dầu thô và nhiên liệu trên thế giới trong 9 tháng đầu năm đạt trung bình 100.7 triệu thùng/ngày, tăng 1.7% so với mức nền tương đối thấp của cùng kỳ. Dự phóng nhu cầu trung bình toàn thế giới năm 2023 - 2024 lần lượt đạt 101 triệu thùng/ngày (tăng 1.4%) và 102.34 triệu thùng/ngày (tăng 1.3%), do quan ngại về tình hình sản xuất công nghiệp trước diễn biến ảm đạm của nền kinh tế.
Theo OPEC, nhu cầu sử dụng dầu trên thế giới năm 2023 - 2024 được dự báo ở mức 102.1 và 104.3 triệu thùng/ngày (lần lượt tăng 2.45% và 2.2% so với cùng kỳ).
MBS cho rằng, nguồn cung dầu thô trên thế giới trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ khan hiếm, do những động thái cắt giảm chủ động từ OPEC+, trong khi nhu cầu được kỳ vọng phục hồi với động lực chính từ Trung Quốc sẽ khiến chênh lệch cung - cầu dầu thô thế giới thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ khác về kinh tế và địa chính trị cũng có thể khiến giá dầu thô thế giới neo cao. Do vậy, giá dầu thô Brent trên thế giới sẽ đạt mức trung bình 93 USD/thùng trong quý 4/2023 và đạt 92 USD/thùng trong năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận