“Đãi vàng” mùa đại hội
Những phát pháo hiệu đầu tiên của một mùa đại hội cổ đông mới đã diễn ra tuần qua và sắp bước vào giai đoạn cao điểm tháng 4.
Trả nợ lời hứa
Đại hội cổ đông CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) diễn ra hôm 20/3 đã thu hút sự quan tâm khá lớn của nhà đầu tư và giới truyền thông. Điều này xuất phát từ việc Sudico là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất tiềm năng nhất tại Hà Nội nhưng hoạt động ì ạch, nợ cổ tức nhiều năm. Không nằm ngoài dự đoán, trong phần chất vấn ban lãnh đạo, cổ đông tập trung hỏi về hai vấn đề: bao giờ trả nợ cổ tức và tiến độ triển khai các dự án hiện hữu để có doanh thu, lợi nhuận cho Công ty.
Giải đáp các nhóm câu hỏi này, Chủ tịch Đỗ Văn Bình chia sẻ, những năm trước, hoạt động của Sudico rất khó khăn do ngân hàng phạt lãi nợ vay quá hạn. Sudico thậm chí còn nợ lương người lao động. Sau mấy năm, Công ty khắc phục được nhưng sản phẩm lại chưa đủ điều kiện bán hàng nên không đưa được ra thị trường, tiếp theo lại là quãng thời gian Tổng công ty Sông Đà thoái vốn, mất nhiều năm để hoàn tất thủ tục thẩm định giá...
“Năm qua, Sudico tập trung hoàn thành công tác pháp lý các dự án, huy động các nguồn vốn. Công ty đã có kế hoạch trả cổ tức nhưng giữa năm 2023 phải chi 593 tỷ đồng thực hiện kết luận thanh tra truy thu các khoản từ trước. Mọi thứ căng như dây đàn, doanh nghiệp chưa có doanh thu, vừa ốm dậy mà phải lo trả khoản tiền lớn. Nhưng ban điều hành xác định phải tập trung xử lý vấn đề này và chúng tôi đã hoàn thành”, ông Bình khẳng định.
Hiện Sudico có gần 200 ha dự án Nam An Khánh đã hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước (đất sạch), đã làm hạ tầng nhưng khu công cộng và dịch vụ chưa được phép đầu tư để thuận tiện cho công tác bán hàng. Phần mở rộng còn 45 ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, diện tích đất thương phẩm chưa bán là 38 ha, gồm thấp tầng, cao tầng, hỗn hợp. Dự án Nam An Khánh mở rộng đã giải phóng mặt bằng được 60-70%. Dự án Văn La - Văn Khê có quy mô 12 ha sẽ khởi công trở lại trong năm 2024, nếu điều kiện thuận lợi sẽ bán hàng khu thấp tầng và bán khu cao tầng vào năm 2025. Dự án Hòa Hải Đà Nẵng có 12 ha, đã kết thúc việc tranh chấp và đang thực hiện thủ tục quy hoạch 1/500. Dự án Ngọc Vừng Sudico đã cơ bản xong quy hoạch 1/500… Sudico cần vốn đối ứng ở các dự án, bởi vậy, doanh nghiệp phải tăng vốn chủ sở hữu và đã nộp hồ sơ xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng được yêu cầu phải trả nợ cổ tức.
“Chúng tôi đặt mục tiêu trước 31/12/2024 phải trả cổ tức 2 năm 2016 - 2017 và sau đó trả tiếp cổ tức bằng cổ phiếu”, ông Bình hứa với cổ đông.
Theo kế hoạch, Sudico sẽ phát hành 126,3 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ với 2 phương án, gồm phát hành 29,86 triệu cổ phiếu trả cổ tức các năm từ 2018 - 2021 và phát hành 96,27 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 84%. Sau phát hành, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 1.148 tỷ đồng lên 2.411 tỷ đồng.
Công ty cũng đặt mục tiêu tham vọng cho năm 2024, với doanh thu hợp nhất 858 tỷ đồng, tăng 60,1%; lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 38,3% so với năm 2023 và cổ tức dự kiến từ 10 - 15%. Tổng giá trị đầu tư dự kiến tăng 34,9% so với thực hiện trong năm trước, lên 1.421 tỷ đồng.
Mang tâm thế “đãi cơ hội” đầu tư, gia đình chị Khánh Linh, với thâm niên hơn 20 năm gắn bó với thị trường chứng khoán cũng lên danh sách các doanh nghiệp mục tiêu và tham dự đại hội cổ đông để hiểu sâu hơn về doanh nghiệp. Hồi đầu năm nay, danh mục của chị gồm có nhiều cổ phiếu ngân hàng và nửa cuối năm, chị dự kiến sẽ chuyển sang nhóm bất động sản.
Vẫn có nhiều nhà đầu tư chọn trường phái “trồng cây lâu năm” và tâm huyết tham gia đại hội của doanh nghiệp mà mình nắm giữ cổ phiếu. Anh Vũ Hồng Sơn, với gần 20 năm gắn bó với thị trường là một nhà đầu tư như vậy. Năm ngoái, anh và một số nhà đầu tư cứng tuổi bắt xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng tham dự đại hội của CTCP Tập đoàn Container (Viconship, mã VSC) và chất vấn nhiều vấn đề tại đại hội.
Hứa hẹn nhiều kế hoạch mới
Theo bà Khuất Thúy Quỳnh, Giám đốc Pháp chế Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2024 được dự báo tăng mạnh so với trước đây nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường thứ cấp dần hồi phục trở lại.
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, vốn huy động qua chào bán chứng khoán đã tăng trưởng đáng kể, với tổng giá trị huy động đạt 95.170 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, nếu bóc tách kỹ hơn thì thấy tỷ trọng chào bán cho cổ đông hiện hữu không nhiều, mà chủ yếu tập trung ở trái phiếu chào bán ra công chúng của khối ngân hàng, một số doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup…
Khi thị trường thứ cấp sôi động, hoạt động chào bán cho cổ đông hiện hữu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh. Bài học về chuyện đổ vỡ do phụ thuộc vốn vay ngân hàng, trái phiếu quá lớn khiến các doanh nghiệp chú trọng hơn đến phương án tăng vốn chủ sở hữu để giảm đòn cân nợ. Để thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn, doanh nghiệp buộc phải thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh để có các con số đẹp, dự án khả thi… Các thông điệp từ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp chia sẻ tại đại hội cổ đông là nguồn dữ liệu được nhiều nhà đầu tư, công ty chứng khoán quan tâm, tìm kiếm.
Nội dung được hỏi và chia sẻ nhiều nhất năm nay theo dự báo là chuyện cổ tức. Nhà đầu tư thống kê các ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2023 và sẽ thông qua tại kỳ đại hội 2024 như TCB (15% bằng tiền mặt), MBB (20% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu), ACB (10% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu), VIB (tối đa 12,5% bằng tiền mặt và 17% cổ phiếu), VPB (chia cổ tức bằng tiền mặt 5 năm liên tiếp, được phép dùng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm để chia cổ tức cho cổ đông). Một số ngân hàng chia cổ tức để tăng vốn như BID, LPB, NAB…
Với những con số trên thì năm nay, mặt bằng cổ tức của các ngân hàng khá cao. Đây cũng là lý do tạo ra sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu “vua” sau cả năm 2023 bình lặng.
Chủ điểm lớn của thị trường năm nay là mục tiêu nâng hạng, các công ty niêm yết cũng không nên nằm ngoài cuộc chơi. Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi đang rất tích cực chuẩn bị khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ để giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng hạng thị trường. Từ phía doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ hợp tác chủ động trong việc triển khai những chính sách này”.
Theo bà Bình, trong kỳ đại hội cổ đông 2024, các doanh nghiệp có thể thực hiện các công việc sau: Thứ nhất, về vấn đề sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp cần rà soát các ngành nghề kinh doanh, có thể điều chỉnh ngành nghề đăng ký kinh doanh, nhưng cần được đại hội cổ đông thông qua, điều này đã được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp. Thứ hai, về vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị trước. Trước mắt, doanh nghiệp cần công bố các thông tin định kỳ: thông tin về tổ chức đại hội cổ đông, báo cáo tài chính, tình hình quản trị công ty, tiến độ sử dụng vốn sau khi chào bán... Doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng với các đối tác, ví dụ với bên kiểm toán để phát hành báo cáo tài chính song ngữ, cũng như bố trí nhân sự phù hợp cho việc chuẩn bị báo cáo song ngữ. Về việc tổ chức đại hội cổ đông, doanh nghiệp cần chủ động mọi khía cạnh, đặc biệt là việc giao tiếp với cổ đông, cổ đông nước ngoài. Đây cũng là một kênh truyền thông vô cùng quan trọng khi doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ và trải nghiệm với nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường