Cuộc đua tăng vốn trên sàn chứng khoán vẫn sôi động
Bước vào những tháng cuối năm, làn sóng tăng vốn của các doanh nghiệp vẫn diễn ra sôi động ở nhiều nhóm ngành như: Chứng khoán, logistics, bất động sản…
Đối với các công ty chứng khoán, cuộc đua tăng vốn diễn ra mạnh mẽ khi thị trường dần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và tiến thêm những bước quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ cận biên lên mới nổi.
Đồng thời, các doanh nghiệp có nhu cầu cấp thiết về việc bổ sung nguồn vốn hoạt động, đặc biệt là cho vay margin. Vì vậy, làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán diễn ra sôi động.
Mới đây nhất, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã: HCM) đã công bố phương án chào bán thêm gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông, thời gian chào bán dự kiến trong năm 2025. Nếu thực hiện thành công, HSC sẽ nâng vốn điều lệ lên 10.800 tỉ đồng.
Số tiền huy động gần 3.600 tỉ đồng từ đợt chào bán, công ty dự kiến phân bổ gần 2.520 tỉ đồng bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ và gần 1.080 tỉ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh. Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2025.
Tương tự, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cũng có kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỉ đồng, lên thành 10.000 tỉ đồng. Trước đó, công ty chứng khoán này đã tăng vốn từ 3.000 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng vào quý IV/2023 và tiếp tục tăng lên 7.000 tỉ đồng ngay trong quý đầu năm nay.
Ngoài 2 doanh nghiệp nói trên, thời gian qua, hàng loạt công ty đã tiến hành tăng vốn, gồm: Chứng khoán MB phát hành 109 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỉ đồng; SSI phát hành hơn 453 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 15.111 tỉ đồng lên gần 19.645 tỉ đồng; VNDirect chào bán thành công gần 244 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 12.178 tỉ đồng lên 15.223 tỉ đồng...
Đối với nhóm doanh nghiệp ngành logistics, doanh nghiệp “đình đám” trong lĩnh vực cảng biển là Công ty cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) đã thông qua việc chào bán gần 104 triệu cổ phiếu với giá 29.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến từ 6.11.2024 đến 15.11.2024.
Số tiền thu về dự kiến khoảng 3.001 tỉ đồng. Công ty sẽ chi gần 558 tỉ đồng để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ (công ty con do GMD sở hữu 60% vốn); chi 2.213 tỉ đồng để mua sắm tài sản cố định, bao gồm 3 tàu biển trọng tải khoảng 1,800 TEU (giá trị 1.350 tỉ đồng); 2 cẩu STS sức nâng 85 tấn (giá trị 654,5 tỉ đồng) và 7 sà lan sức chở 248 TEU (giá trị 208,5 tỉ đồng).
Không nằm ngoài làn sóng này, nhiều ông lớn bất động sản cũng công bố phương án tăng vốn “khủng”.
Trong đó, Becamex IDC (mã: BCM) dự kiến phát hành 300 triệu cổ phiếu nhằm mục đích huy động tối thiểu 15.000 tỉ đồng để triển khai loạt khu công nghiệp trọng điểm, góp vốn vào các công ty hiện hữu, và tái cấu trúc tài chính tổng công ty. Trong đó, 6.300 tỉ đồng để đầu tư dự án, 3.634 tỉ đồng để góp vốn vào các thành viên hiện hữu và 5.066 tỉ đồng để tái cấu trúc tài chính.
Một ông lớn khác là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) cũng có kế hoạch phát hành 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá không dưới 80% giá đóng cửa trung bình 30 phiên liền trước. Ước tính giá trị tiền thu được sau đợt phát hành này khoảng 6.000 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường