“Cửa sáng” cho doanh nghiệp khai thác cao su
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 11,7% so với năm 2020 nhưng nhờ giá cao su liên tục tăng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,2% so với năm 2020. Hưởng lợi từ giá bán, nhiều doanh nghiệp khai thác cao su ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Kết thúc năm 2021, Công ty CP Cao su Đồng Phú cho biết, sản lượng cao su tiêu thụ đạt 13.363 tấn, giảm 13,3% so với năm trước nhưng giá bán bình quân cả năm tăng 25% từ mức 34,78 triệu đồng/tấn lên 43,66 triệu đồng/tấn, giúp Công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 của Cao su Đồng Phú đạt 1.214 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7%. Lợi nhuận gộp bán hàng tăng tới 35% lên 433 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao su đạt 368 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020. Trong năm qua, Cao su Đồng Phú còn ghi nhận thêm khoản thu nhập khác 261 tỷ đồng giúp Công ty báo lãi trước thuế 594 tỷ đồng, tăng 120% so với năm 2020.
Công ty CP Cao su Đắk Lắk vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với 1.336 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng trưởng 45%. Nếu như năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Cao su Đắk Lắk âm 3,1 tỷ đồng thì năm 2021 con số này đạt 93,1 tỷ đồng. Cộng thêm lợi nhuận từ thanh lý tài sản cố định, Cao su Đắk Lắk lãi trước thuế 124,6 tỷ đồng, gấp 3,5 lần năm 2020.
Một số doanh nghiệp khác vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 như: Công ty CP Cao su Tân Biên với doanh thu bán hàng đạt 889,2 tỷ đồng (tăng 51%), lợi nhuận trước thuế đạt 414,8 tỷ đồng (tăng 92,1%); Công ty CP Cao su Bà Rịa ghi nhận 499,7 tỷ đồng doanh thu (tăng 27,1%) và 161,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 37,6%); Công ty CP Cao su Hòa Bình đạt 185 tỷ đồng doanh thu (giảm 1,8%) và lợi nhuận trước thuế đạt 22,2 tỷ đồng (tăng 122%); Công ty CP Cao su Bến Thành ghi nhận 348 tỷ đồng doanh thu (tăng 20%) và 26,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 3%)…
Diễn biến giá thế giới cho thấy, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (Nhật Bản) tăng mạnh kể từ tháng 9/2020 và đạt đỉnh 338 JPY/kg vào ngày 21/1/2021. Mức giá sau đó sụt giảm và tạo đáy vào 9/9/2021 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Hiện giá cao su có xu hướng tăng trở lại.
Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị thu về. Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nhu cầu về cao su thiên nhiên của thế giới sẽ tăng trong thời gian tới. Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Cũng theo dự báo của ANRPC, sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận