Cổ phiếu quỹ: Những thương vụ "một vốn bốn lời" và "của để dành"
Giao dịch cổ phiếu quỹ khá sôi động trong năm 2019 ở cả chiều mua vào và bán ra. Doanh nghiệp khi mua vào cổ phiếu quỹ, một phần mong muốn hỗ trợ giá cổ phiếu, còn kỳ vọng tài sản "để dành" có thể bán giá hời cho nhà đầu tư cùng chí hướng.
Những thương vụ một vốn bốn lời
Năm 2018 ghi nhận một thương vụ đặc biệt của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Chưa đầy một năm sau khi chi 4.043 tỷ đồng để mua lại cổ phần của cổ đông lớn nhất HSBC, Techcombank đã thu về ba đồng lời từ một đồng vốn bỏ ra ban đầu và thêm 12.297 tỷ đồng vào thặng dư vốn. Giá bán khi đó được xác định qua phương thức dựng sổ, dựa trên mức giá có khối lượng đặt mua lớn nhất.
Với tỷ suất sinh lời “khủng”, thương vụ trên không điển hình nhưng phản ánh được một góc của câu chuyện khi các tổ chức chấp nhận bỏ ra một phần vốn, đáng ra được sử dụng để đầu tư kinh doanh, để đầu tư vào cổ phiếu của chính doanh nghiệp và đặt cược vào sự lên giá của cổ phiếu trong tương lai.
Dù không mang về hàng chục nghìn tỷ đồng như trường hợp của Techcombank, giao dịch bán cổ phiếu quỹ của Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) cũng có tỷ suất sinh lời “đáng nể” với giá bán ra gấp 6 lần tlúc mua vào. Từ đầu 2019, qua 2 đợt chào bán cổ phiếu quỹ, Petrolimex thu về gần 2.000 tỷ đồng và còn hơn 103 triệu đơn vị, tương đương 8% vốn.
Cổ phiếu quỹ được Petrolimex mua vào hồi quý III/2016, chính là cổ phiếu ưu đãi hoàn lại mà doanh nghiệp phát hành cho CBCNV. Theo chia sẻ khi đó của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT (hiện đã nghỉ hưu –pv), việc mua cổ phiếu quỹ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. “Dư thừa vốn hay sử dụng nguồn vốn lãng phí cũng đều không tốt”, người đứng đầu Petromlimex khi đó. Sau thời gian đầu tư, việc bán cổ phiếu quỹ trên sàn một phần mang lại nguồn vốn, phần khác tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu PLX.
Lô cổ phiếu "để dành": Không nhất thiết phải bán theo giá trên sàn
Sắp tới, nhiều công ty cũng kỳ vọng thu lãi từ “của để dành” này. CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) đã thông qua kế hoạch bán toàn bộ gần 35,3 triệu cổ phiếu quỹ với giá bán tối thiểu là 32.650 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu trên CII mua vào trong nhiều đợt từ năm 2015 với số tiền gần 852 tỷ đồng, tương đương giá mua bình quân 24.115 đồng/cổ phiếu.
Phía công ty cho biết Ban điều hành được giao tìm kiếm, đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng để thương thảo về việc bán các cổ phiếu quỹ. Nếu thành công như kế hoạch, CII sẽ bổ sung thêm thặng dư vốn cổ phần nhờ phần chênh lệch giá hơn 300 tỷ đồng.
Số tiền trên khi thu hồi được sau khi bán cổ phiếu sẽ cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đang bị thâm hụt gần 740 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang vì đầu tư vào dự án. CII đã vay nợ thêm 1.511 tỷ đồng từ ngân hàng và phát hành trái phiếu. Nguồn vốn thu về từ “của để dành” cổ phiếu quỹ sẽ hỗ trợ đáng kể nhu cầu vốn đầu tư của CII.
Mức giá mà CII đặt ra được xem là khá tự tin bởi cổ phiếu hiện chỉ giao dịch trên thị trường quanh 20.000 đồng/cp và duy trì xu hướng giảm rõ rệt từ tháng 4/2019 đến nay. Nhưng bù lại, nhà đầu tư khi mua cổ phiếu từ CII sẽ sở hữu trọn lô lớn và không bị hạn chế chuyển nhượng.
Tương tự trường hợp của CII, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) cũng quyết định bán cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn thấp hơn giá mua. SBT trước đây đã phải chi gần 1.100 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 17.857 đồng/cp. Ước tính, với giá cổ phiếu hiện tại (15.900 đồng), SBT chỉ thu hồi về 979 tỷ đồng. Nhưng không nhất thiết SBT phải bán cổ phiếu quỹ trên sàn. Trong phương án phát hành riêng lẻ 44,5 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức có chuyển đổi công bố hồi tháng 6, giá chuyển đổi mà SBT đưa ra thậm chí thấp nhất ở mức 30.000 đồng/cp, cao nhất 45.000 đồng/cp. Với lô cổ phiếu trên, giá bán hoàn toàn có thể thực hiện thỏa thuận, không nhất thiết phải nằm trong biên độ giao dịch trên sàn chứng khoán.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) hiện chưa công bố phương án bán cổ phiếu quỹ nhưng, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT, từng chia sẻ với Reuters hồi trung tuần tháng 7 về kế hoạch bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cổ phiếu phát hành thêm và hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ vừa mua được hồi tháng 3.
So với mức giá mua vào bình quân hơn 22.000 đồng/cp, giá cổ phiếu khớp lệnh trên thị trường tăng trưởng 6,1% (không quá cao nhưng vẫn “khá khẩm” hơn nhiều cổ phiếu nhà băng khác). Nhưng câu chuyện giá chắc chắn sẽ khác nếu đối tượng mua là nhà đầu tư nước ngoài! Bởi ngoài “của để dành” là cổ phiếu quỹ, một khoản dành dụm mà ngân hàng cố giữ nhiều năm nay là phần room ngoại 10%. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài luôn ở mức kịch trần 20%, những khoảng room hở ra nhờ phát hành cổ phiếu ESOP luôn nhanh chóng được lấp đầy trong vài phút.
Cùng với MBBank, khá nhiều ngân hàng cũng bỏ tiền túi của chính ngân hàng để đỡ giá cổ phiếu, phần lớn là các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức cao trong ngành. Kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của VPBank gây bất ngờ khá lớn khi số lượng cổ phiếu mua vào lên tới tối đa 245 triệu cổ phiếu, tương đương 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Theo đánh giá từ phía ngân hàng, đây là khoản đầu tư vào tài sản có giá trị và khả năng sinh lời cao trong tương lai.
Tuy nhiên, đấy là góc nhìn từ bản thân tổ chức. Điều quan trọng hơn là phải tìm được nhà đầu tư cùng chí hướng, thuyết phục thị trường về khả năng tăng trưởng của công ty. Khi đó “của để dành” mới sinh lời tốt hơn cơ hội kinh doanh vốn đã bị lấy mất khi bỏ vốn mua cổ phiếu quỹ công ty.
Nhiều ngân hàng mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận