24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu nhóm dệt may tăng mạnh bất chấp thị trường điều chỉnh

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may quý đầu năm tăng 22%, thị trường Mỹ phục hồi mạnh. 

Xuất khẩu khởi sắc, kết quả kinh doanh quý I khả quan

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây, cổ phiếu nhóm dệt may lại có sự tăng giá đáng kể. Chốt phiên ngày 15/4, VN-Index giảm hơn 13 điểm lùi về vùng 1.458 điểm, HNX-Index giảm gần 7 điểm, UPCoM-Index giảm 1 điểm.

Ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành dệt may đồng loạt tăng trong gần 1 tháng qua. Cụ thể, STK tăng trần phiên ngày 15/4 lên 65.000 đồng/cp, tăng gần 21% xét trong gần 1 tháng qua. HTG tăng hơn 27% lên vùng 64.000 đồng/cp. MSH tăng hơn 27%, thị giá vượt 100.000 đồng/cp. Cổ phiếu TNG tăng gần 24%, TCM tăng trên 10%...

det-may-thang447-7707-1650067011.png data-natural-width640

Diễn biến giá một số cổ phiếu dệt may từ 20/3 đến nay. Nguồn: TradingView

Cổ phiếu ngành dệt may tăng mạnh trong bối cảnh diễn biến ngành có nhiều thuận lợi. Theo Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may quý I đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng mạnh nhất khoảng 40% so với cùng kỳ 2021 và chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu hàng dệt may.

Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kim ngạch xuất khẩu dệt may quý I ghi nhận kết quả khả quan nhờ nhu cầu bật tăng sau khi bị dồn nén bởi đại dịch Covid-19 và sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn đã nhận được đơn đặt hàng cho đến cuối quý III. Tuy nhiên, ngành dệt may đang phải đối mặt với áp lực giá nguyên liệu cao vì chiến tranh Nga-Ukraine. VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trong quý I và cả năm 2022 nhờ tiềm năng đơn hàng may mặc dồi dào có thể bù đắp áp lực chi phí đầu vào.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) chia sẻ doanh thu quý I đạt hơn 1.082 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế hơn 68 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3, doanh thu tăng 26%, lên hơn 426 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 55% đạt hơn 30 tỷ đồng.

Ông Tùng cho biết Dệt may Thành Công đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay, tình hình đơn hàng ổn định do các thị trường phục hồi. Đồng thời, dệt may Việt Nam có cơ hội lớn khi Trung Quốc đang tập trung ưu tiên các sản phẩm cao cấp, nên các sản phẩm thấp hơn được sản xuất tại Việt Nam, bên cạnh đó, Sri Lanka bị vỡ nợ nên nhiều đơn hàng được chuyển sang Việt Nam.

Dệt may TNG (HNX: TNG) công bố doanh thu tháng 3 đạt 413 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và tăng 22,6% so với tháng trước. Lũy kế cả quý I, tổng doanh thu đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 38%.

Theo BCTC công bố trước đó, công ty dệt may ghi nhận 864 tỷ đồng doanh thu 2 tháng đầu năm, tăng 45%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 24,7 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ 2021.

SSI Research ước doanh thu thuần của Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) quý I tăng 8% đạt 611,5 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 8,5% đạt 76 tỷ đồng. Doanh thu doanh nghiệp sợi đã hồi phục về mức trước Covid -19 trong quý.

Trong cuộc họp giao ban giữa tháng 3, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) thông tin doanh thu quý I ước đạt 24,4% kế hoạch năm.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhận định, bối cảnh thị trường dệt may đang ở kịch bản trung bình của tập đoàn. Trong đó, ngành sợi phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu chính tăng từ 30% – 40% và giá bán giảm 5% – 6%. Ngành may tiếp tục có dư địa của đơn hàng. Bán lẻ hàng thời trang trong nước tiếp tục giảm cho thấy xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân vẫn là xu thế của thị trường nội địa.

Do vậy, vị Chủ tịch nhấn mạnh, các đơn vị ngành sợi nên cân nhắc tăng lượng tồn kho và hạn chế mua bông giá quá cao hơn nhu cầu để chờ giá của niên vụ mới. Ngành may cũng cần xem xét rủi ro về nguồn gốc vải có thành phần bông từ Trung Quốc, logistics tăng giá và kéo dài, chi phí trong nước tăng (nhất là tiền lương), cần giữ ngoại tệ tối đa và luân chuyển kịp thời vào từng thời điểm.

Kế hoạch kinh doanh 2022 đa phần tăng trưởng

Nhìn chung, đa phần các lãnh đạo doanh nghiệp đều có nhận định khả quan về năm 2022 và đưa ra kế hoạch tăng trưởng so với 2021. Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công trình và được cổ đông thông qua mục tiêu năm nay gồm doanh thu 4.200 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước.

Nhằm tận dụng xu hướng đơn đặt hàng từ Trung Quốc có xu hướng giảm, doanh nghiệp có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm từ dệt kim đến dệt thoi, đa dạng hóa thị phần, đẩy mạnh thu hút đơn hàng từ châu Âu và châu Á.

det-may-a-thang4-2343-1650067362.png data-natural-width640

Đơn hàng dồi dào kỳ vọng bù đắp được chi phí nguyên liệu và logistics tăng cao.

Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thị phần ở các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang TNG trong nước tới tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước và phân phối ra cả nước ngoài qua kênh thương mại điện tử.

May Việt Tiến (UPCoM: VGG) kỳ vọng doanh thu năm 2022 tăng 8% lên 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 50% lên 150 tỷ đồng.

Ở mảng sợi, Sợi Thế Kỷ dự kiến doanh thu năm nay đạt 2.606 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tăng 8%. Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc tin rằng nhu cầu sợi sẽ phục hồi trong năm nay vì rủi ro phong tỏa, hạn chế đi lại tại Việt Nam sẽ không như năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia cung cấp nhiều sợi cho thế giới, đang đi theo chính sách "zero Covid" nên chuỗi cung ứng tại nước này sẽ bị ảnh hưởng. Một số khách hàng quốc tế sẽ tìm đến Việt Nam hoặc các thị trường ở Đông Nam Á khác để tìm nguồn cung thay thế vì họ không biết chắc tình hình phong tỏa ở Trung Quốc sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.

Lãnh đạo Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) đánh giá thị trường dệt may 2022 phục hồi, nguồn hàng dồi dào. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine, dịch bệnh, lạm phát khiến giá nguyên, nhiên liệu tăng mạnh vẫn là rủi ro lớn.

Bởi vậy, HĐQT trình kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong đó, mảng may đóng góp 3.050 tỷ đồng, tăng 15%; mảng sợi 1.150 tỷ đồng, tăng 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 216 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước.

Sau năm đạt được kết quả ấn tượng, May Sông Hồng (HoSE: MSH) đưa ra phương án kinh doanh khá thận trọng gồm doanh thu 4.900 tỷ đồng, tăng 3%; lãi trước thuế 500 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
46.00 +0.65 (+1.43%)
24.35 -0.25 (-1.02%)
24.50 (0.00%)
46.20 -0.05 (-0.11%)
24.30 -0.20 (-0.82%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả