24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Anh Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu hàng không dần hấp dẫn trở lại

Nhóm cổ phiếu hàng không đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư sau một thời gian dài giao dịch trầm lắng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp ngành này.

Nhiều yếu tố trợ lực

Sau hơn 3 năm kể từ đại dịch Covid-19, ngành hàng không đã từng bước hồi phục và bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Doanh thu của các hãng hàng không toàn cầu dự báo đạt mức kỷ lục 964 tỷ USD trong năm nay; trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách có thể đạt khoảng 717 tỷ USD.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, hoạt động ở thị trường nội địa lẫn nước ngoài từng bước hồi phục và lấy lại tốc độ tăng trưởng như năm 2019. Theo dự báo đầu năm, nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2024 ước đạt khoảng 84,2 triệu khách, tăng 15% so với năm 2023 và vượt qua giai đoạn trước dịch.

Cho đến nay, hàng không vẫn là phương tiện giao thông nhanh chóng nhất về mặt thời gian và dĩ nhiên, sự tiện nghi, thoải mái cũng hơn hẳn so với các phương tiện di chuyển khác.

Đây cũng là phương tiện logistics nhanh chóng nhất mà các hãng thương mại điện tử đang cạnh tranh nhau khốc liệt để rút ngắn thời gian vận chuyển đối với các đơn hàng có khoảng cách dài.

Cổ phiếu hàng không dần hấp dẫn trở lại

Ông Nguyễn Hồng Khanh Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE).

Trong bối cảnh nhiều phát minh và công nghệ hiện tại phát triển dẫn đến cuộc sống, sinh hoạt của con người ngày càng tăng tốc, nhu cầu vận chuyển nhanh chóng nhất càng được quan tâm hơn. Đây cũng là cơ sở để dự báo ngành hàng không tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam có vị trí địa lý - chiến lược mang tính trọng yếu hàng đầu trên thế giới, nằm ngay trục tuyến đường hàng không - hàng hải nhộn nhịp, giàu tiềm năng bậc nhất toàn cầu. Vị trí cửa ngõ tiền tiêu này của Việt Nam một thời là nơi cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc trên thế giới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng hàng không mạnh nhất với tốc độ 4,5%/năm và Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Đường bay Hà Nội - TP.HCM là đường bay nội địa nhộn nhịp thứ 4 thế giới, với gần 10,9 triệu ghế cung ứng.

Đường bay này chỉ đứng sau Jeju - Seoul (Hàn Quốc), Fukuoka - Tokyo Haneda và Sapporo New Chitose Apt - Tokyo Haneda (Nhật Bản).

Đây cũng là nguyên nhân khiến các sân bay cửa ngõ quan trọng nhất của Việt Nam như Nội Bài và Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải. Việc các chuyến bay liên tục bị hoãn hay chờ đáp đã ảnh hưởng lớn đến chi phí khai thác, nhiên liệu và hàng loạt hoạt động logistics khác.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty chịu thiệt hại gần 500 tỷ đồng trong năm 2023 vì tắc nghẽn sân bay, khiến máy bay không đáp đúng lịch trình và ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay khác.

Đó là lý do Việt Nam gấp rút mở rộng nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất và đầu tư xây mới sân bay Long Thành để đáp ứng nhu cầu phát triển quá nhanh của ngành hàng không.

Sau khi đưa vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những sân bay lớn hàng đầu thế giới, đáp ứng 100 triệu lượt khách/năm. Long Thành trong tương lai trở thành một sân bay đối trọng mới cạnh tranh với các sân bay hàng đầu quanh khu vực để đón khách trung chuyển quốc tế.

Và thách thức

Triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không là không thể bàn cãi, nhưng bên cạnh đó vẫn có những khó khăn, thách thức lớn mà ngành này đang phải đối mặt.

Trước tiên là sự kết nối của ngành hàng không và du lịch hiện nay vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Ngành du lịch được ví như đôi cánh của máy bay, vì vậy, nếu ngành du lịch không phát triển sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến ngành hàng không về lâu dài. Để cả 2 ngành phát triển đồng bộ và hài hòa lợi ích, rất cần sự hỗ trợ, kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cơ sở hạ tầng phụ trợ là mắt xích liên kết quan trọng giúp ngành hàng không phát triển. Hệ thống đường bộ cao tốc, tàu điện vệ tinh kết nối các cửa ngõ sân bay giúp tạo nên hệ thống giao thông khép kín và đồng bộ. Điều này tạo sự thuận tiện phát triển du lịch và cả hoạt động kinh doanh, logistics.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch bay của các hãng. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines, đội bay của các hãng đạt 222 chiếc vào lúc đông đảo nhất trong năm 2023.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2024, tổng số máy bay đang hoạt động của các hãng bay chỉ còn 163 chiếc, tương đương 73% thời điểm hoạt động nhộn nhịp nhất năm ngoái. Việc các hãng sản xuất máy bay lớn như Boeing và Airbus chậm giao máy bay do đứt gãy các chuỗi cung ứng có thể kéo dài trong vài năm tới và điều này sẽ tác động lớn đến kế hoạch bay của các hãng hiện tại.

Ngoài ra, các vấn đề như giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, thiếu hụt nhân lực như phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên hàng không cũng là yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến các hãng bay. Miếng bánh lớn của ngành hàng không cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi sự gia nhập của các hãng hàng không giá rẻ trong nước và quốc tế.

Cổ phiếu “cất cánh”

Giai đoạn đại dịch Covid-19, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nên cổ phiếu ít được nhà đầu tư quan tâm. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, cùng với đà hồi phục của ngành, đặc biệt là nửa đầu năm 2024, khi Vietnam Airlines đã báo lãi sau 4 năm thua lỗ liên tục.

Các cổ phiếu liên quan đến nhóm hàng không bao gồm ACV - doanh nghiệp điều hành 22 sân bay tại Việt Nam, chiếm khoảng 90% lượng hành khách nội địa và quốc tế tại Việt Nam. Các hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet Air và các công ty dịch vụ mặt đất như AST, SGN, SCS, NCT đều có những thế mạnh riêng và tiềm năng phát triển tích cực trong dài hạn.

Hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc nhờ lượng khách từ các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh trở lại. Ở các thị trường khác như châu Âu và Mỹ cũng cho thấy sự khởi sắc rõ rệt.

Hiện tại, các quốc gia lân cận đang đầu tư rất lớn vào hạ tầng sân bay và cả đội bay mới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này và nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong thời gian tới rất lớn.

Đối với các hãng bay, dù “sân chơi” hàng không rất rộng mở nhưng chỉ có các hãng lớn mới kinh doanh hiệu quả nhờ dòng vốn nội tại lớn cùng các điều kiện, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm.

Các hãng bay như VietNam Airlines và VietJet Air trong tương lai sẽ có nhu cầu rất lớn trong việc đầu tư tàu bay mới cũng như đội ngũ nhân sự phi công, tiếp viên có chất lượng.

Việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ và nâng cao năng lực quản lý sẽ giúp ngành hàng không phát triển bền vững trong tương lai. Với các quỹ đầu tư và nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, nhóm cổ phiếu hàng không sẽ là một trong những nhóm ngành được lưu tâm nhiều nhất.

Khi các điều kiện hạ tầng kết nối hoàn thiện và hệ thống sân bay Long Thành, Nội Bài nâng cấp xong thì hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ càng có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
27.45 +0.90 (+3.39%)
111.60 (0.00%)
77.50 -0.30 (-0.39%)
101.70 (0.00%)
81.80 +5.10 (+6.65%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả