24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quân Ri Cha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu FDI có hấp dẫn nhà đầu tư?

Thực tế cho thấy không phải doanh nghiệp FDI nào lên sàn cũng có thể thuyết phục được nhà đầu tư “xuống tiền” để mua cổ phiếu.

Chính phủ tiếp tục cho phép doanh nghiệp FDI niêm yết, đâu là những tiêu chí sẽ hấp dẫn nhà đầu tư?

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì (ngày 28-2), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã kiến nghị với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáp ứng đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam1.

Đây không phải là sự kiện hoàn toàn mới với nhà đầu tư. Cách đây hơn 20 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2003 cho phép một số doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Kể từ khi nghị định này ra đời cho tới khi hết hiệu lực, thị trường chứng khoán chỉ đón nhận 11 trên tổng số gần 29.000 doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu của mình niêm yết lên sàn (theo thống kê tới cuối năm 2022). Trong đó, 3 doanh nghiệp FDI đã phải dừng cuộc chơi sớm do làm ăn thua lỗ2.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI giao dịch trên sàn chứng khoán cũng chưa bao giờ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, trong 8 cổ phiếu còn lại được niêm yết trên sàn, duy nhất cổ phiếu EVE của Công ty cổ phần Everpia có khối lượng giao dịch bình quân trong 52 tuần đạt trên 300.000 cổ phiếu/phiên. Với những cổ phiếu còn lại, khối lượng giao dịch bình quân trong 52 tuần cao nhất chỉ đạt hơn 15.000 cổ phiếu/phiên, thậm chí có cổ phiếu CYC của Công ty cổ phần gạch men Chang Yih hầu như không có giao dịch kể từ khi lên sàn tới nay.

Ở khía cạnh tích cực, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc các doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó, lợi ích lớn nhất là nhà đầu tư sẽ được tiếp cận và đầu tư các cổ phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung Electronics Việt Nam, LG Display Việt Nam, Tập đoàn Bosch Việt Nam, Sumitomo Chemical Việt Nam…

Nhưng không phải doanh nghiệp FDI nào lên sàn cũng có thể thuyết phục được nhà đầu tư “xuống tiền” để mua cổ phiếu. Vậy, nếu Chính phủ tiếp tục cho phép niêm yết, doanh nghiệp FDI đáp ứng những tiêu chí như thế nào sẽ được các nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn cho danh mục đầu tư của mình?

Tiêu chí đầu tiên, để thu hút các nhà đầu tư, người viết cho rằng các doanh nghiệp FDI phải có công ty mẹ là những thương hiệu lớn hàng đầu trên thế giới, hoạt động kinh doanh hiệu quả trong một thời gian dài, có uy tín cao trên thị trường quốc tế và được nhiều người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là người Việt biết tới hoặc sử dụng sản phẩm. Có thể kể tới như Apple Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam, LG Display Việt Nam, Canon Việt Nam, Bridgestone Việt Nam… và còn rất nhiều các thương hiệu lớn ở các lĩnh vực kinh doanh khác.

Tiêu chí thứ hai, các doanh nghiệp FDI phải minh bạch thông tin về tình hình tài chính, tình hình quản trị và hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp FDI cần công bố đầy đủ, rõ ràng và chính xác các thông tin theo quy định công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết, như báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên, nghị quyết Hội đồng quản trị. Ngoài ra, các thông tin về chiến lược kinh doanh, hợp tác, đầu tư và tất cả các thông tin bất thường liên quan đến doanh nghiệp cũng cần được công bố rộng rãi để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Tiêu chí thứ ba, các doanh nghiệp FDI phải có kế hoạch hoặc cam kết hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong khoảng thời gian dài. Đồng thời, các doanh nghiệp này cần có tình hình tài chính vững mạnh, cụ thể như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng qua các năm, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở ở mức dưới 50%, hay doanh nghiệp không có khoản phải thu nào lớn bất thường với bên liên quan…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có khoản vốn đầu tư vào Việt Nam lớn trên 100 triệu đô la Mỹ, đồng thời có chiến lược và kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Từ phía ngược lại, nhà đầu tư phải chuẩn bị thêm kiến thức đầu tư, như đọc báo cáo tài chính để tìm ra các doanh nghiệp FDI có tình hình tài chính vững mạnh; tìm kiếm và đánh giá các thông tin về chiến lược kinh doanh như mở rộng sản xuất, hợp tác đầu tư và các kế hoạch tăng vốn đầu tư… để tìm ra những doanh nghiệp FDI có tương lai về hoạt động kinh doanh dài hạn ở Việt Nam.

Cuối cùng, để có thể lựa chọn được đúng doanh nghiệp FDI tốt cho danh mục đầu tư của mình, nhà đầu tư cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc theo dõi, giám sát thông tin được công bố của các doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các cơ quan nhà nước cần có hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.20 -0.30 (-12.00%)
10.45 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả