Cổ phiếu EPS cao, lưu ý các mã mới
Những cổ phiếu có lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất trên thị trường thường có thanh khoản thấp, một phần do tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp và thị giá cao, không phù hợp với đông đảo nhà đầu tư ít vốn, đó là chưa kể những mã có nguy cơ “rớt hạng”.
Đặc điểm chung của các “gương mặt” cũ
Hiện tại, các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính năm 2023, đồng thời tất bật chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024. Theo đó, đây là thời điểm nhà đầu tư tập trung phân tích, đánh giá các doanh nghiệp nhằm tìm ra cổ phiếu tốt, định giá hấp dẫn để đầu tư, trong đó chỉ tiêu EPS là yếu tố quan trọng, không chỉ cho thấy khả năng sinh lời mà còn cấu thành nên hệ số định giá P/E.
Tính đến cuối tháng 12/2023, thị trường chứng khoán ghi nhận 22 doanh nghiệp có EPS trên 10.000 đồng (theo dữ liệu tổng hợp của Wichart.vn). Danh sách năm nay vẫn có các mã chứng khoán quen thuộc trong những năm qua như SLS của Mía đường Sơn La, WCS của Bến xe Miền Tây, RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, VCF của VinaCafé Biên Hòa, IDP của Sữa Quốc tế, NSC của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, BMP của Nhựa Bình Minh, với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Cổ phiếu có EPS cao nhất thuộc về SLS khi đạt 53.423 đồng, tiếp theo là WCS với 26.700 đồng, RAL là 25.116 đồng, VCF là 16.929 đồng…
EPS còn là một yếu tố quan trọng trong quyết định chia cổ tức của doanh nghiệp, dựa trên mức độ lợi nhuận mà mỗi cổ phiếu mang lại mà có tỷ lệ chia tương ứng. Các cổ phiếu có EPS thuộc tốp đầu thường có lịch sử trả cổ tức hào phóng, thậm chí cao hơn mệnh giá như SLS, WCS, VCF.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa có EPS cao, sức khoẻ tài chính tốt, triển vọng tăng trưởng tích cực (thường là những doanh nghiệp đầu ngành), vừa có chính sách cổ tức hấp dẫn, thị giá cũng thuộc tốp đầu, trên 100.000 đồng/cổ phiếu và định giá P/E cao.
Một đặc điểm khác của nhóm cổ phiếu này là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc, như RAL chỉ có khoảng 20% free float trong hơn 23,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành; tỷ lệ này tại WCS là dưới 2% trong tổng số 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Trong khi đó, đa số nhà đầu tư có vốn nhỏ, với tâm lý chung là muốn mua cổ phiếu có EPS cao, cổ tức cao, thanh khoản tốt, định giá hấp dẫn.
Lưu ý các mã mới
Nếu doanh nghiệp có chỉ số EPS cao và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai thì đây thường là cơ hội đầu tư hấp dẫn, dù thị giá hay định giá ở mức cao.
Trong danh sách Top cổ phiếu có EPS trên 10.000 đồng năm 2023 xuất hiện một số gương mặt mới.
Một là, cổ phiếu BCA của Công ty cổ phần B.C.H, hoạt động đa ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là sản xuất - kinh doanh phôi thép, thép xây dựng, phế liệu kim loại, than coke, các sản phẩm phụ trợ của ngành thép. Năm 2023, B.C.H đạt EPS 20.946 đồng, xếp thứ 7 trong các doanh nghiệp có EPS cao nhất sàn chứng khoán.
Hai là, cổ phiếu DTP của Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội, EPS năm 2023 đạt 13.365 đồng.
Ba là, cổ phiếu CKA của Công ty cổ phần Cơ khí An Giang, EPS năm 2023 đạt 12.536 đồng, cao nhất sau 7 năm lên sàn.
Bốn là, cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex). Sau năm 2022 ghi nhận EPS âm 375 đồng, thì năm 2023, Vocarimex có pha bật tăng với EPS đạt 10.711 đồng.
Về mặt lý thuyết, EPS càng cao cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp càng lớn. Do đó, EPS cao sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu và là một yếu tố thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, P/E hiện tại của cổ phiếu BCA rất thấp, chỉ ở mức hơn 1 lần theo thị giá 22.100 đồng/cổ phiếu ngày 12/4/2024. B.C.H chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023, nhưng theo báo cáo tự lập, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 398 tỷ đồng. Nguyên nhân lãi đột biến là do trong quý IV/2023, B.C.H thâu tóm Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang nên kết quả kinh doanh hợp nhất ghi nhận khoản lãi từ giao dịch thâu tóm giá rẻ số tiền là 395 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2020 - 2021, lợi nhuận của B.C.H chỉ khoảng 2 tỷ đồng/năm (EPS khoảng 100 đồng), còn năm 2022 lỗ gần 74 tỷ đồng (EPS âm 3.891 đồng).
Tương tự, kết quả kinh doanh năm 2023 của Vocarimex cho thấy, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 1.304,6 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 45,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp ghi nhận khoản thu nhập tài chính từ chuyển nhượng vốn đầu tư trong công ty liên kết với số tiền 1.585 tỷ đồng, cụ thể là chuyển nhượng toàn bộ 24% vốn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân cho Công ty Siteki Investments Pte Ltd.
Với mức giá 19.500 đồng/cổ phiếu phiên 12/4/2024, định giá P/E của cổ phiếu VOC là 1,8 lần, dù rất thấp nhưng cũng chưa đủ để thu hút nhà đầu tư, vì EPS cao nhờ lợi nhuận đột biến không cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp. So với đầu năm nay, cổ phiếu VOC mất giá khoảng 10%.
Ngược lại, cổ phiếu DTP và CKA duy trì được tốc độ tăng trưởng EPS qua các năm, trong đó năm 2023 đạt trên 10.000 đồng.
Trong 5 năm gần nhất, EPS của Dược phẩm CPC1 Hà Nội dao động từ 7.000 - 8.900 đồng, năm 2023 tăng lên 13.365 đồng nhờ lợi nhuận sau thuế đạt 216,9 tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2022. Mức định giá P/E của cổ phiếu DTP hiện là 9 lần (thị giá 126.000 đồng/cổ phiếu), thấp hơn mức trung bình ngành là P/E trên 11 lần.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Dược phẩm CPC1 Hà Nội là đạt lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, cổ phiếu DTP sẽ trụ hạng trong danh sách Top cổ phiếu có EPS trên 10.000 đồng.
Triển vọng trụ hạng của cổ phiếu CKA ở mức thấp khi bản thân doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm 2024 giảm mạnh. Năm 2023, Cơ khí An Giang lãi ròng 41,2 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022, giúp EPS tăng lên 12.536 đồng, từ mức 5.000 - 6.500 đồng 5 năm trước đó. Cuối tuần qua (12/4/2024), giá cổ phiếu CKA là 72.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2,6 lần so với cuối tháng 3, nhưng định giá P/E vẫn ở mức hấp dẫn là dưới 7 lần. Tuy nhiên, năm nay, Cơ khí An Giang đặt mục tiêu lợi nhuận 21,7 tỷ đồng, giảm 47,3% so với thực hiện năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận