Cổ phiếu điện bao giờ 'sáng' trở lại?
Tiêu thụ điện tăng mạnh trong mùa nắng nóng nhưng kết quả kinh doanh của nhóm các công ty ngành điện trong quý II/2024 không mấy khả quan. Bức tranh toàn cảnh chung cho thấy, nhóm điện đều đồng loạt báo lợi nhuận giảm sút. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành này cũng ghi nhận diễn biến kém tích cực.
Thông tin sơ bộ về tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp nhiệt điện hầu hết đều cho thấy kết quả kém sắc, ngay cả “gã khổng lồ” ngành điện cũng không nằm ngoài xu hướng.
Kết quả kinh doanh quý II kém sắc hơn dự kiến
Cụ thể, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã: POW) ước tính doanh thu ghi nhận 15.822 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế ước đạt 657 tỷ đồng, giảm 29,3%.
6 tháng cuối năm, PV Power tiếp tục đặt kế hoạch đi lùi với tổng doanh thu 15.008 tỷ đồng, tăng 37% so với cuối năm 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm xấp xỉ 36%, còn 340,61 tỷ đồng.
Trước đó, các công ty chứng khoán đều có nhìn nhận tích cực đối với PV Power trong năm 2024. Trong đó, Chứng khoán BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện tăng, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ các nhà máy Vũng Áng 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 2 không thực hiện đại tu trong năm 2024. Điều này giúp sản lượng của PV Power dự kiến tăng trưởng từ nền thấp trong năm 2023.
Chứng khoán MBS cũng kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2024 của PV Power sẽ tăng 10% so với cùng kỳ từ nền thấp năm 2023, đặc biệt cải thiện mạnh từ quý II/2024 sau giai đoạn quý I khá ảm đạm. Kỳ vọng này từ 2 luận điểm chính: Huy động sản lượng điện khí phục hồi vào mùa cao điểm phụ tải và các nhà máy của PV Power không có lịch bảo dưỡng lớn trong năm 2024; Nhà máy Vũng Áng 1 hoạt động hết công suất từ tháng 8/2023, và hiện vận hành ở mức công suất tối ưu do nhu cầu tăng đột biến ở khu vực miền Bắc.
Tương tự, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận sau thuế giảm 35,4% so với cùng kỳ, chỉ còn 160,4 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu do sản lượng điện bán và giá thị trường giảm, đồng thời giá nhiên liệu than đầu vào có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng cho biết lợi nhuận sau thuế quý II giảm 17% so với cùng kỳ, xuống còn 276 tỷ đồng, chủ yếu do giá than tăng dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng.
Không nằm ngoài xu hướng, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II giảm 42% về chỉ còn 94 tỷ đồng, bởi các khoản cổ tức nhận được từ các đơn vị do PPC góp vốn thấp hơn so với cùng kỳ, dẫn đến doanh thu tài chính giảm và kéo lợi nhuận đi xuống.
Bức tranh của nhóm thuỷ điện cũng không khá hơn là bao, thậm chí còn có công ty thua lỗ.
Đơn cử như lợi nhuận sau thuế của CTCP Sông Ba (SBA) giảm 6% trong quý II/2024, CTCP Thủy điện Nước Trong (NTH) giảm 19%, CTCP Thủy điện Sông Vàng (SVH) giảm 50% và Thuỷ điện A Vương (AVC) giảm tới 82%.
Đặc biệt, CTCP Thủy điện Sê San 4A (S4A) phải ngậm ngùi báo lỗ trong quý II gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 18 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc sản lượng điện bán ra của công ty giảm mạnh do thời tiết khô hạn.
Thủy điện vẫn được kỳ vọng
Trên thị trường, sức nóng của cổ phiếu ngành điện được nhen nhóm từ phiên ngày 2/4, ngay sau thông tin ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Kế hoạch nhấn mạnh việc chuyển dịch từ các nguồn điện truyền thống như điện than sang các nguồn điện sạch hơn như điện khí LNG, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…
Cùng với giai đoạn cao điểm sản xuất, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và cơ chế điều chỉnh giá điện mới được áp dụng là những yếu tố khiến cổ phiếu của ngành điện “nhộn nhịp” sau thời gian im ắng.
Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu này có xu hướng bị gián đoạn trong những phiên gần đây, đặc biệt là khi kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng của các doanh nghiệp nhiệt điện khiến nhà đầu tư ôm kỳ vọng trước đó phải hụt hẫng. Bên cạnh đó, thị trường chung cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu này.
Chẳng hạn, trong phiên giao dịch ngày 17/7, VN-Index biến động mạnh vào cuối phiên khi chịu áp lực bán lớn. Nhiều ngành bị bán mạnh, trong đó nhiều cổ phiếu điện cũng không tránh khỏi lực bán mạnh.
Nổi bật nhất trong nhóm điện phiên này phải kể đến cổ phiếu POW trượt sàn về 13.900 đồng/cp, thanh khoản lên cao nhất trong 1 tháng trở lại với gần 32 triệu cổ phiếu được sang tay. Hay cổ phiếu QTP giảm sâu tới 5,45%, HND giảm 3,36%, PPC mất tới 5,23% giá trị; NT2 (Nhơn Trạch 2) cũng chịu chung số phận với mức giảm 2,75%.
Đáng chú ý, ngược dòng nhiệt điện, một vài cổ phiếu thuỷ điện lại toả sáng với “sắc xanh” tích cực, như TBC tăng 1,2%, AVC tăng 1,06%, hay DRL tăng 0,31%.
Theo giới phân tích, áp lực giá nguyên liệu đầu vào (than) tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện bị bào mòn, trong khi giá bán điện cho EVN là theo giá hợp đồng đã được ấn định từ trước. Còn riêng đối với Nhiệt điện Phả Lại, sự sụt giảm còn đến từ hụt thu cổ tức từ các đơn vị góp vốn.
Trong khi đó, nhóm thuỷ điện tuy là nguồn cung cấp điện cho EVN với giá rẻ nhất (so với nhiệt điện và năng lượng tái tạo), nhưng nắng nóng đỉnh điểm trong tháng 4 – 5/2024 đã khiến mực nước tại các hồ thuỷ điện bị hao hụt mạnh, khiến sản lượng điện bán ra giảm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ VCBS, Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI) dự báo, La Nina có thể trở lại vào nửa sau năm 2024 sau khi El Nino tiếp tục duy trì với xác suất từ 80 - 100% với cường độ giảm dần đến hết quý I và chuyển sang pha trung tính trong quý II. Các nhà máy thủy điện sau khi bị ảnh hưởng tiêu cực do pha El Nino sẽ hưởng lợi từ La Nina vào nửa cuối năm 2024 nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, mưa nhiều, mực nước về hồ nhiều hơn.
Trong bối cảnh EVN đang gặp khó khăn tài chính, thủy điện vẫn là nguồn điện được ưu tiên huy động do rẻ nhất hệ thống. Dù vậy, thủy điện vẫn chịu tác động mạnh bởi thời tiết và diễn biến sát sao theo biến động thủy văn.
Chứng khoán VCBS kỳ vọng sản lượng thủy điện sẽ phục hồi từ mức nền thấp năm 2023 (giảm 16%), đặc biệt vào nửa sau năm 2024.
Còn Chứng khoán MBS đưa ra nhận định, nhóm thủy điện có thể duy trì sản lượng huy động tích cực trong nửa cuối 2024 sang 2025, khi pha La Nina thường kéo dài từ 15 - 18 tháng. Hơn nữa, với tính chất giá rẻ, thủy điện thường được cân đối huy động ở mức tối đa.
Chứng khoán BVSC cũng đồng quan điểm kể từ nửa sau năm 2024 và trong năm 2025, nhóm thủy điện sẽ tích cực khi La Nina quay trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường