Cổ phiếu dệt may: Thất vọng!
Giá nhiều cổ phiếu dệt may đã bứt phá trong nửa cuối năm 2018, phản ánh kỳ vọng lạc quan trước thềm năm 2019. Nay, thực tế không đạt kỳ vọng ban đầu, những khó khăn trong cả ngắn và dài hạn xuất hiện khiến nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu ngành này.
Nhiều cổ phiếu dệt may giảm giá
Giá nhiều cổ phiếu dệt may giảm so với đầu năm, tính đến thời điểm 30/09/2019. Trong đó, cổ phiếu của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) giảm mạnh hơn 80%, Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT) giảm hơn 63%, Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) giảm gần 38%.
Chỉ có 4 cổ phiếu tăng giá, với mức tăng nhẹ từ 3-38%. Cổ phiếu May Sông Hồng (HOSE: MSH) tăng mạnh nhất gần 38%, Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) tăng gần 20%, còn lại tăng không đáng kể.
Diễn biến giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay cho thấy sức hút của các cổ phiếu dệt may với nhà đầu tư đã vơi bớt.
Vì sao cổ phiếu không còn hấp dẫn?
Theo số liệu Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 29.24 tỷ USD - tăng 9.23% so với cùng kỳ năm 2018 - và hoàn thành 74% kế hoạch cả năm 2019. Giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh cho thấy tình hình kinh doanh tích cực, nhưng vì sao nhà đầu tư lại thờ ơ với nhóm cổ phiếu này?
Thực tế, mặc dù triển vọng chung tích cực nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có sự phân hóa lớn, phụ thuộc vào cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như chủng loại sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, thông tin lạc quan đến từ Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) và MSH. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế (LNST) của TNG, TDT và MSH đều tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2018. TNG và MSH thực hiện được lần lượt 84% và 110% kế hoạch LNST 2019. Trong khi đó, TDT thực hiện được 96% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) 2019.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác lại đang đối mặt với kết quả kinh doanh suy giảm và thực hiện chưa được 75% kế hoạch về lợi nhuận.
9 tháng đầu năm, FTM lỗ sau thuế hơn 43 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu Trung Quốc - vốn là thị trường xuất khẩu chính của FTM - đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại khiến sản lượng và giá bán sợi giảm mạnh, trong khi giá bông tồn kho và đặt hàng từ trước của FTM ở mức cao khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
LNST 9 tháng của Damsan (HOSE: ADS), Vải sợi May mặc Miền Bắc (HNX: TET), MPT và Everpia (HOSE: EVE) giảm mạnh lần lượt hơn 94%, 66%, gần 59% và 40% so cùng kỳ. ADS và MPT chỉ thực hiện được lần lượt 7% và 11% kế hoạch LNTT, còn EVE thực hiện được 33% kế hoạch LNST.
Doanh nghiệp Việt chưa hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại
Ngành dệt may bước sang năm 2019 với nhiều kỳ vọng sáng đến từ các hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA... đặc biệt là kỳ vọng với thị trường EU - một trong ba thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam hiện nay, bên cạnh Mỹ, Nhật Bản.
Với thị trường Mỹ, dù chưa tham gia CPTPP, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được nhiều ý kiến nhận định sẽ tạo điều kiện cho đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất nhờ sở hữu nhiều lợi thế từ vị trí địa lý, nhân công dồi dào, chi phí sản xuất thấp và mối quan hệ hợp tác sẵn có của doanh nghiệp với các nhãn hàng lớn.
Thế nhưng, trái với kỳ vọng hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung và việc các hiệp định thương mại tự do được ký kết, không ít doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong năm 2019.
Đối với các hiệp định tự do thương mại đã được ký kết, thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều do vướng về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (với CPTPP) và từ vải trở đi (với EVFTA) khi nguồn nguyên liệu cũng đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc. VITAS cập nhật tới tháng 9/2019, tức sau 9 tháng CPTPP có hiệu lực, mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các cơ hội của hiệp định này nếu so sánh với các mặt hàng khác như nông sản bởi vấn đề chứng minh quy tắc xuất xứ.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu dệt may chủ đạo. Do đó, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể tăng thuế đối với các sản phẩm vải nguyên liệu xuất khẩu sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Mỹ có thể tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm may mặc sản xuất tại Việt Nam để hạn chế nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngoài yếu tố nguyên vật liệu, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp dệt may cũng chịu áp lực tăng, từ chi phí lương, điện, nước, vận chuyển (do giá điện, nước, xăng dầu tăng), kéo giảm biên lợi nhuận.
Một số phân tích đánh giá cơ hội đầu tư cổ phiếu dệt may vẫn còn nhưng sẽ phân hóa mạnh theo triển vọng từng doanh nghiệp, khó trở lại giai đoạn tăng đồng đều như nửa cuối năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận