Cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng biến động thế nào trong năm 2023?
Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2023, toàn thị trường ghi nhận 18 mã cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng/cp, ghi nhận tổng vốn hóa hơn 167.000 tỷ đồng.
Trong đó chỉ 2 cổ phiếu giảm giá là VCF và VJC, còn lại đều tăng trưởng so với đầu năm. Đáng chú ý, có những cái tên vừa lọt vào top cổ phiếu tiền trăm như BMP, FRT, VEF, RAL, DHG.
Khả quan nhất trong nhóm này chính là cổ phiếu VNZ của CTCP VNG khi vọt 170% so giá tham chiếu phiên chào sàn đầu năm 2023. Sau đó là chuỗi ngày làm mưa làm gió của cổ phiếu này trên sàn chứng khoán khi lập kỷ lục nhất từ trước tới nay với mức giá không tưởng gần 1,3 triệu đồng/cp. Tuy nhiên đà tăng này đã sớm bị dội lại và hiện chỉ còn duy trì quanh mức 650.000 đồng/cp.
Cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng/cp
BMP của Nhựa Bình Minh cũng khiến nhà đầu tư vui lây khi tăng 98,5% so với đầu năm, lên mốc 104.300 đồng/cp và đà tăng của cổ phiếu này vẫn chưa dừng lại trong những phiên mở bát đầu năm 2024.
Sở dĩ cổ phiếu BMP tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh khả quan 9 tháng 2023 khi lãi ròng lập mức cao nhất từ trước đến nay với 784 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm (651 tỷ đồng).
Chứng khoán SSI dự báo doanh thu BMP đạt 4,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 (giảm 19% so cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so cùng kỳ).
Tuy nhiên, SSI cũng cho rằng lợi nhuận BMP có thể đã đạt đỉnh trong năm 2023. Do đó, công ty chứng khoán này ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2024 của BMP lần lượt đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (giảm 4%) và 847 tỷ đồng (giảm 18%).
Do đó, SSI khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BMP, với giá mục tiêu lên 103.400 đồng/cổ phiếu (từ 99.200 đồng/cổ phiếu), với P/E mục tiêu 2024F là 10x (không đổi), tương ứng mức giảm 0,9% so với giá hiện tại.
Top 18 cổ phiếu có giá trên 100 nghìn đồng/cp biến động trong 2023
FRT của Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng là cái tên được nhắc nhiều trong năm qua khi có bước nhảy 81% kết phiên cuối năm tại mức 107.000 đồng/cp, kéo vốn hóa lên hơn 14.500 tỷ đồng.
Đi ngược với cổ phiếu là lợi nhuận sau thuế của FRT khá bết bát. Thậm chí Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) còn dự báo doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2023 của FRT sẽ đạt 31.920 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; nhưng ghi nhận mức lỗ ròng 227 tỷ đồng.
Dù vậy, đánh giá triển vọng 2024, VDSC tin rằng FRT có Long Châu vớirất nhiều lợi thế để mở rộng thị phần ở cả kênh truyền thống và kênh hiện đại tại thị trường bán lẻ dược phẩm. Do đó, dự báo doanh thu thuần của Long Châu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng là 17,3% trong giai đoạn 2024-2028.
Đối với FPT Shop, lượng người tiêu dùng đến mỗi cửa hàng dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ các chính sách vĩ mô dần lan tỏa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, VDSC dự báo FPT Shop sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn với mức tăng trưởng doanh thu 7,9% so với cùng kỳ lên 17.840 tỷ đồng (tương đương 746 triệu USD) vào năm 2024. Đồng thời, kỳ vọng FPT Shop sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2024 lên 11%.
Với tiềm năng tăng trưởng trên, VDSC khuyến nghị tích lũy cổ phiếu FRT với giá mục tiêu 112.800 đồng/cp, tiềm năng tăng trưởng giá 12 tháng là 12,1%.
Mặc dù nằm trong top cổ phiếu giá tiền trăm đã lâu, song NTC của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên vẫn không ngừng nỗ lực khi tăng hơn 73% trong năm qua, lên sát mức 200.000 đồng/cp... Ngoài ra, còn có những cái tên đã tăng trên 50% trên sàn UPCoM như VEF, NDC, DTP.
Ngược lại, đáng chú ý trong nhóm này có VCF của Vinacafé Biên Hòa và VJC của Vietjet lại giảm lần lượt là 15,2% và 1,1% so đầu năm.
VJC giữ được thành quả hầu như giảm không đáng kể trong năm qua là một nỗ lực đáng ghi nhận khi tình hình kinh doanh vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất sau đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận