Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/4: IMP, PVT, ACV, BMP, DPM, MWG, PNJ
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/4 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu IMP
CTCK Phú Hưng (PHS)
Dịch Covid 19 sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp Dược trong ngắn hạn, nhất là những doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh, hạ sốt như IMP Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM. Ngoài ra, nhà máy IMP4 kỳ vọng sẽ đạt xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP và bắt đầu hoạt động trong quý II/2020.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của IMP trong năm 2020 đạt 1.750 tỷ đồng (tăng 23,2% so với năm ngoái). Với chính sách dự trữ nguyên vật liệu sản xuất hợp lý, chúng tôi kỳ vọng IMP có thể cải thiện biên lãi gộp trong năm 2020, với giả định biên lãi gộp đạt 38%.
Từ đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của IMP đạt 209 tỷ đồng (tăng trưởng 28,4%). Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu IMP khoảng 55,000 đồng/cổ phiếu (+8.3% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị giữ cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Thiếu hụt nguyên liệu do trên 90% nguyên liệu phải nhập khẩu; (2) Thay đổi các thông tư đấu thầu; (3) Sản phẩm kháng sinh chịu áp lực cạnh tranh; (4) Giá nguyên vật liệu biến động ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.
PVT sẽ tiếp cận vùng giá xung quanh 12
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu PVT của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí đang ở trong trạng thái hồi phục sau khi đã mất giá sâu về khu vực xung quanh 7.5 trong thời gian vừa qua. Phiên 17/4, sự hưng phấn đã đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần, qua đó trở lại trên mệnh giá 10.
Các chỉ báo kỹ thuật đang chưa có được sự đồng nhất về trạng thái nhưng cũng dần chuyển sang chiều hướng tích cực.
Chỉ báo MACD đang duy trì histogram dương đồng thời chỉ báo RSI cũng đang tăng dần và chưa đi vào vùng quá mua nên dư địa tăng của PVT vẫn còn. Tuy vậy, đường EMA12 vẫn đang ở dưới đường EMA26 nên áp lực chốt lời có thể xuất hiện trong ngắn hạn.
Theo đánh giá của chúng tôi, PVT có thể sẽ tiếp cận vùng giá xung quanh 12 trong thời gian tới sau đó tiềm năng đi ngang tích lũy trước khi có sự hình thành rõ ràng hơn về xu hướng dài hạn.
Khuyến nghị mua dành cho ACV với giá mục tiêu 76.700 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong cuộc họp trực tuyến bàn về quá trình chuẩn bị sửa chữa, nâng cấp đường băng tại SGN và HAN, Bộ GTVT đã kết luận Bộ này sẽ thực hiện các dự án này. Kết luận tại cuộc họp, Bộ GTVT phân công Tổng Công ty ĐTPT Và QLDA Hạ tầng Giao thông Cửu Long (CIPM) và Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Thăng Long PMU) lần lượt quản lý việc thực hiện sửa chữa, nâng cấp đường băng tại SGN và HAN.
Ngoài ra, Chính phủ cũng công bố Nghị định 41/ND-CP (ND 41) vào ngày 09/04, cho phép áp dụng thực hiện công trình theo diện khẩn cấp cho việc sửa chữa, nâng cấp đường băng tại SGN và HAN và phân công Bộ GTVT giám sát các dự án này. Chính phủ cũng thông qua phân bổ nguồn vốn thặng dư Ngân sách Nhà nước 2019 và phần quỹ còn lại từ Ngân sách Nhà nước 2019 cho các dự án này. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ hoàn thành phương án phân bổ vốn.
Theo Luật Đầu tư công (Số 39/2019/QH14), trong trường hợp áp dụng thực hiện công trình theo diện khẩn cấp, thời gian và quy trình thực hiện thủ tục hành chính sẽ được rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có thể quyết định và chiu trách nhiệm thực hiện dự án thay vì cần phê duyệt từ Chính phủ và Thủ tướng.
Do đó, quá trình sửa chữa, nâng cấp dự kiến sẽ được bắt đầu vào giữa tháng 7 sau khi Bộ GTVT phê duyệt thiết kế và kế hoạch ngân sách. Bộ GTVT sau đó dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động của đường băng trong khoảng 4 tháng. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án này vào khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, ACV không đáp ứng được các yêu cầu để quản lý dự án này khi không có đủ nhân sự đủ tiêu chuẩn quản lý dự án theo các quy định. Chúng tôi hiện cho rằng dự án này sẽ được tài trợ vốn từ Ngân sách Nhà nước. Do đó, chúng tôi ghi nhận khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho dòng tiền hoạt động cho ACV khi trước đây chúng tôi giả định ACV sẽ tạm ứng trước để thực hiện dự án và Chính phủ sẽ hoàn trả số tiền này, bao gồm cả lãi suất theo lãi suất huy động tại thời điểm thực hiện.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng việc sửa chữa, nâng cấp đường băng tại SGN và HAN trong năm 2020 sẽ là yếu tố tích cực cho ngành hàng không và du lịch Việt Nam trong các năm tới, trong bối cảnh nhu cầu di chuyển hiện tại đang khá thấp do dịch COVID-19.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho ACV với giá mục tiêu 76.700 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời 38,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,6%.
Khuyến nghị mua dành cho BMP với giá mục tiêu 59.600 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/CP (tương ứng lợi suất cổ tức 4,4%) cho tạm ứng cổ tức đợt 2 năm tài chính 2019 – sau đợt 1 là 2.000 đồng/CP đã được thanh toán trong tháng 12/2019. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán của cổ tức tạm ứng đợt 2 lần lượt là ngày 05/05 và 20/05.
Tạm ứng cổ tức đợt 2 này đã vượt dự báo của chúng tôi khi chúng tôi trước đây giả định tổng cổ tức tiền mặt 2019 của BMP là 2.000 đồng/CP – phù hợp với tỷ lệ cổ tức tiền mặt tối thiểu đã được thông qua đại ĐHCĐ thường niên 2019 của công ty. Tính đến cuối năm 2019, tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn duy trì ở mức 690 tỷ đồng, đủ để công ty tài trợ cho đợt thanh toán cổ tức kể trên.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua và giá mục tiêu 59.600 đồng/CP (tương ứng tổng mức sinh lời 36,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%). Theo giá hiện tại, BMP hiện đang giao dịch với P/E 9,3 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị mua dành cho DPM với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
DPM công bố sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt tạm ứng năm 2019 ở mức giá 500 đồng/CP. Đây là đợt thanh toán đầu tiên cho cổ tức tiền mặt năm 2019 1.000 đồng/CP (lợi suất 7,2%). Ngày giao dịch không hưởng quyền dự kiến là ngày 27/04 và ngày thanh toán là ngày 15/05.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DPM với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 29,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,2%). Theo giá cổ phiếu hiện tại, DPM đang được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 là 8,1 lần, P/B là 0,6 lần và EV/EBITDA là 2,1 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị mua dành cho và MWG và PNJ
CTCK Bản Việt (VCSC)
Sau quyết định của Chính phủ Việt Nam về nới lỏng một phần các hạn chế trong quy định cách ly xã hội (có hiệu lực từ ngày 16/04) khi chia các tỉnh/thành phố thành các nhóm khác nhau dựa theo rủi ro về lây nhiễm dịch COVID-19. CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã mở lại một số cửa hàng trước đây đóng cửa nhằm kiểm soát dịch COVID-19.
Đối với MWG, trong thời gian đỉnh điểm tạm đóng các cửa hàng, khoảng 30% cửa hàng TGDĐ (ĐTDĐ) và DMX (điện máy) phải đóng cửa. Tính đến hôm nay, chỉ còn 15% phải đóng cửa.
Đối với PNJ, ban lãnh đạo không công bố chi tiết cụ thể nhưng cho biết một con số đáng kể các cửa hàng đã mở lại. Chúng tôi lưu ý rằng đến ngày 01/04, khoảng 85% cửa hàng PNJ phải tạm đóng cửa.
Đây là diễn biến tích cực cho cả MWG và PNJ. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho cả MWG và PNJ với giá mục tiêu lần lượt 125.800 đồng là 68.100 đồng, tương ứng với tổng mức sinh lời 53,4% và 17,0%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận