Cổ phiếu bị cảnh báo, 'đại gia phố núi' tìm cách thoát lỗ
Năm 2022 lỗ kỷ lục, cổ phiếu tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo, “đại gia phố núi” Đức Long Gia Lai vừa có văn bản giải trình về nguyên nhân và kế hoạch khắc phục tình trạng này.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa có báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo định kỳ quý II/2023.
Theo Đức Long Gia Lai, cổ phiếu DLG bị đưa vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 đã được kiểm toán.
Nguyên nhân thứ 2, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 âm 1.219,41 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 âm 2.069,77 tỷ đồng, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Về biện pháp và lộ trình khắc phục chứng khoán thuộc diện cảnh báo, DLG đang tiến hành rà soát và hoàn thiện hồ sơ phù hợp theo chuẩn mực kế toán để cung cấp hồ sơ cho đơn vị kiểm toán nhằm tháo gỡ ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC năm 2022 trong thời gian sớm nhất.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, DLG đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty thực hiện đánh giá khả năng trả nợ của các khách hàng tổ chức và cá nhân, làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo đối với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn, tăng cường thu hồi các khoản công nợ phải thu và đồng thời hoàn nhập dự phòng các khoản đã trích lập để đảm bảo lợi nhuận.
DLG tiếp tục cấu trúc lại bộ máy nhân sự ban điều hành và cán bộ công nhân viên, nhằm cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, góp phần gia tăng lợi nhuận; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án điện mặt trời, điện gió,.. bổ sung vào quy hoạch điện lưới quốc gia, để tìm đối tác huy động nguồn vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án nhằm cấu trúc lại tình hình tài chính doanh nghiệp.
Đại gia phố núi muốn bán bớt dự án. (Ảnh: DLG)
Ngoài ra, công ty phối hợp và làm việc với ngân hàng/chủ nợ để cấu trúc, đàm phán cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, định giá tài sản đảm bảo, có lộ trình chuyển nhượng tài sản không sinh lời, thoái vốn các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh kém hiệu quả để tích lũy dòng tiền, giảm dần dư nợ gốc theo kế hoạch.
Đồng thời, DLG quyết tâm làm việc với các ngân hàng xin miễn toàn bộ lãi phát sinh, lãi phạt sau khi tất toán toàn bộ dư nợ gốc quá hạn...
Về kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2023, theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 35,4 tỷ đồng.
Theo DLG, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định, doanh nghiệp khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện thành công chỉ tiêu kế hoạc doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* DHC: Ngày 28/7, HĐQT CTCP Đông Hải Bến Tre có nghị quyết thông qua việc trả cổ tức đợt cuối năm 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào 28/8 và thanh toán bắt đầu từ ngày 25/9.
* SJS: Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà ghi nhận doanh thu thuần đạt 12,75 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 57,7 tỷ đồng, tăng trưởng 833%.
* FCN: Tại BCTC công ty mẹ II/2023, CTCP Fecon có lợi nhuận sau thuế đạt 27,58 tỷ đồng, tăng trưởng 299,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, doanh thu tài chính công ty mẹ tăng 15,89 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 218,65%, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ cổ tức năm 2022 của các công ty con.
* KDH: Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 586 tỷ đồng. Kết thúc quý II, Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 248,2 tỷ đồng.
* VNG: Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, CTCP Du lịch Thành Thành Công có doanh thu đạt 98,3 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty trong quý II/2023 đạt 7,79 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin giao dịch
* KDH: Nhóm cổ đông nước ngoài do Dragon Capital quản lý tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đã mua vào 880.000 cổ phiếu KDH trong ngày 26/7. Nhóm này đang sở hữu 79,51 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,09%.
* RDP: Bà Hồ Thị Mỹ Hảo, Trợ lý Chủ tịch HĐQT của CTCP Rạng Đông Holding đã bán ra toàn bộ hơn 1,72 triệu cổ phiếu RDP sở hữu, tỷ lệ 3,51% từ ngày 24/7 đến 28/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* TVC: Bà Phạm Thanh Hoa, Ủy viên HĐQT CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TVC từ ngày 4/8 đến 25/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* TDG: Ông Võ Anh Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư TDG Global đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu TDG từ ngày 4/8 đến 2/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Chốt phiên 31/7, VN-Index tăng 15,23 điểm (+1,26%) lên 1.222,9 điểm. HNX-Index tăng 2,02 điểm (+0,85%) lên 239,55 điểm. UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,45%), lên 89,35 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận