Chuyên gia Chứng khoán Dầu khí “chỉ điểm” cổ phiếu tiềm năng khi giá dầu thô neo cao
Sau sóng tăng của nhóm cổ phiếu Bluechips, dòng tiền thông minh sẽ luân chuyển sang các cổ phiếu có câu chuyện riêng và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trong đó, nhóm cổ phiếu Dầu khí đang có nhiều triển vọng với nhiều “câu chuyện riêng”.
Giá dầu thô sẽ neo cao trong năm 2024, hoạt động E&P sôi động
Theo Báo cáo phân tích giá dầu và ngành Dầu khí của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) vừa công bố, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay sẽ tăng nhẹ trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và sản lượng khai thác tại các nước ngoài khối OPEC tăng nhanh hơn dự báo, khiến thị trường chỉ ở trạng thái thiếu hụt nguồn cung nhẹ.
Nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu qua các năm (triệu thùng/ngày). (Nguồn: IEA, IMF, Chứng khoán dầu khí)
Hiện Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tổng nhu cầu dầu thô toàn cầu năm nay sẽ tăng khoảng hơn 1,3 triệu thùng/ngày, đạt 103 triệu thùng/ngày, tương ứng tăng 1,2% so với năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến tăng khoảng 0,77 triệu thùng/ngày, đạt 102,9 triệu thùng/ngày. Liên minh OPEC+ được dự báo sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng khai thác như hiện nay cho đến cuối năm.
“Ngoài ra, việc tồn kho dầu tại các khu vực gần mức trung bình nhiều năm, công suất dự phòng vẫn khá dồi dào cho thấy thị trường dường như không ở trong giai đoạn của một đợt tăng giá lớn và kéo dài”, theo các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Dầu khí.
Theo đó, Chứng khoán Dầu khí dự báo giá dầu bình quân cả năm sẽ neo trên mức 85 USD/thùng, mức giá này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trên toàn thế giới khi đã vượt xa điểm hòa vốn đối với các doanh nghiệp khai thác.
Diễn biến giá dầu thô Brent và cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu toàn cầu. (Nguồn: IEA, EIA, Chứng khoán Dầu khí)
Sau khi tạo đáy vào năm 2020, dòng vốn đầu tư dành cho khâu thượng nguồn dầu khí, với tâm điểm là hoạt động E&P, trên toàn cầu đã tăng tốc rõ rệt. Dữ liệu của EIA cho thấy, mức đầu tư trên đã tăng 11% trong năm 2022 và tăng 7% trong năm 2023. Nhiều tổ chức lớn trên thế giới hiện nhận định hoạt động đầu tư vào khâu thượng nguồn dầu khí sẽ vẫn ở mức cao và thậm chí có thể tăng nhẹ trong những năm tới đây.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư kể từ sau đại dịch. Đáng chú ý, sản lượng dầu khí của Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015, chủ yếu do thiếu vắng các dự án dầu khí lớn trong nhiều năm khi giá dầu thô sụp đổ vào năm 2014 và duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, với việc giá dầu thô neo cao trở lại, Petrovietnam trong năm nay có kế hoạch đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), tăng 54% so với số vốn đầu tư thực tế của năm 2023, trong đó đầu tư thượng nguồn sẽ chiếm 52% tổng vốn đầu tư.
Do các dự án dầu khí luôn kéo dài trong nhiều năm, Petrovietnam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vốn trong những năm tới, báo hiệu hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) dầu khí trong nước sẽ ngày càng sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi.
Cổ phiếu dầu khí nào sẽ hưởng lợi?
Chuỗi giá trị ngành dầu khí Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Dầu khí nhận định, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu dầu khí rất nhạy cảm với biến động của giá dầu thô Brent. Trong đó, giá các cổ phiếu như GAS (PV GAS), BSR (Lọc hoá dầu Bình Sơn), PVD (PV Drilling), PVT (PV Trans), PVS (Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí)… có mức độ tương quan với giá dầu cao, biến động thuận chiều với giá dầu thô Brent.
Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có những mảng hoạt động khác nhau (sản xuất, vận chuyển, dịch vụ, khai thác,…) và sản phẩm khác nhau (khí đốt, dầu, xăng,…). Do đó, mức độ chịu ảnh hưởng, độ trễ sẽ phụ thuộc vào vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, phân phối dầu khí.
Trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí tham gia khâu thượng nguồn như PV Drilling (PVD) và Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi đầu tiên.
Cụ thể, đối với PV Drilling, toàn bộ các giàn khoan tự nâng của tổng công ty đã có hợp đồng xuyên suốt năm 2024 với giá thuê giàn khoan cao. Giàn khoan đất liền PV DRILLING 11 cũng đã được đối tác GBRS tại Algeria gia hạn hợp đồng tới giữa năm nay.
Cùng với đó, các dự án đầu tư thượng nguồn trong nước sẽ là nguồn công việc cho PV Drilling trong trung và dài hạn; đặc biệt là việc khởi động dự án khí Lô B sẽ tác động tích cực đến ngành E&P Việt Nam và thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS), mảng cơ khí và xây dựng (M&C) tiếp tục là mảng kinh doanh chiến lược, tập trung vào các dự án EPCI ngoài khơi, EPC cho các nhà máy công nghiệp và gần đây là các turbine điện gió ngoài khơi.
Ngoài việc nhận được FID từ Murphy Oil (Mỹ) vào tháng 11/2023 cho dự án Lạc Đà Vàng, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí còn được trao thư mời thầu có giới hạn (LLOA) cho dự án thượng nguồn khí phát điện Lô B - Ô Môn.
Thời gian hợp đồng các tàu trong mảng FPSO/FSO của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. (Nguồn: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Chứng khoán Dầu khí).
Bên cạnh đó, trong mảng FPSO/FSO, với kỳ vọng giá dầu cao của năm 2024, sự hồi sinh của các hoạt động kinh doanh dầu khí thượng nguồn trong nước và tỷ lệ sử dụng tàu cao, mảng kinh doanh này sẽ tiếp tục tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, theo đánh giá của Chứng khoán Dầu khí.
Ở lĩnh vực trung nguồn, đối với PV GAS (GAS), triển vọng kinh doanh sẽ được hỗ trợ nhờ giá khí khô và LPG phục hồi trong năm 2024 trong bối cảnh giá dầu thô neo cao, nhu cầu gia tăng, và nguồn cung thắt chặt.
Theo Chứng khoán Dầu khí, nhu cầu khí khô tiếp tục tăng trưởng đạt mức 2,6% trong năm nay.Đồng thời, chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn đang được xúc tiến mạnh để sớm đi vào triển khai. Tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trao lại dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 cho Petrovietnam, gỡ bỏ một trong những nút thắt quan trọng là đảm bảo đầu ra cho nguồn khí từ Lô B.
Crack spread các sản phẩm dầu tại khu vực châu Á. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Dầu khí)
Ở lĩnh vực hạ nguồn, biên lợi nhuận lọc dầu vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ có sự cải thiện do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay tăng trưởng.
Dữ liệu của Chứng khoán Dầu khí cho thấy, mức crack spread của các sản phẩm dầu diesel, nhiên liệu máy bay tại khu vực châu Á đang ở mức cao, theo đà tăng của các loại dầu thành phẩm.
Trong dài hạn, Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong quý 1/2028 sẽ mang lại lợi thế cho Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Dầu khí khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi biến động của giá dầu thô thế giới, cùng với đó là tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp lý khi tham gia đầu tư vào nhóm cổ phiếu dầu khí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận