Chứng khoán Vietcap: Khoản lỗ của EVN là rủi ro với các doanh nghiệp xây lắp điện
Trong buổi hội thảo tổ chức chiều ngày 27/03 về triển vọng ngành điện và xây lắp điện, Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI) nhận định mảng xây lắp điện có triển vọng cao trong năm 2024, nhưng tồn tại những rủi ro.
Theo VCI, ngành điện được kỳ vọng sẽ phục hồi bắt đầu từ năm 2024, mở đầu với Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) được kỳ vọng sẽ ban hành trong thời gian tới. Quy hoạch điện 8 dự báo nhu cầu tiêu thụ điện cao, tăng trưởng ở mức 9%/năm cho đến năm 2030.
Nguy cơ thiếu điện cho tăng trưởng kinh tế cho thấy sự bức thiết của việc phải tăng trưởng công suất cũng như xây mới và cải tạo hệ thống truyền tải điện. Hơn thế nữa, Việt Nam có lợi thế tài nguyên năng lượng tái tạo khổng lồ để đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia. Tổng mức đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 ước tính sẽ đạt 135 tỷ USD, trong đó 120 tỷ USD cho nguồn điện và 15 tỷ USD cho hệ thống truyền tải.
Tiềm năng cao từ năng lượng tái tạo, xây lắp điện hưởng lợi
Theo bà Đinh Thị Thùy Dương - Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và phân tích của VCI, thời điểm hiện tại có 85 dự án điện chuyển tiếp với tổng công suất 4,500 MW. Từ tháng 9 tới nay, có vài dự án đi vào hoạt động.
Nhìn chung, khoảng 1,200 MW đã được phát điện, chiếm khoảng 25%, và cũng đã đóng góp phần nào vào câu chuyện giải quyết bài toán thiếu điện. 75% còn lại đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện PPA. Tuy nhiên do không hoàn thành đủ các thủ tục giấy tờ (giấy phép điện lực, giấy phép an toàn…), nên EVN vẫn chưa huy động các nguồn này.
Bà Dương nhận định, khi có kế hoạch thực hiện QHĐ8 hoặc có cơ chế mới cho năng lượng tái tạo, một số dự án tốt có thể được triển khai (như Trà Vinh giai đoạn 2 của REE) hay dự án điện gió của Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG). Tuy nhiên, với các dự án đã sai quy hoạch từ đầu như trong đợt thanh tra ngành điện năm 2023, tình hình vẫn sẽ khó khăn.
Tình hình ngành điện tái tạo phục hồi cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xây lắp như TV2 (Xây lắp điện 2). Theo VCI, TV2 được hưởng lợi đáng kể nhờ kế hoạch tích cực mở rộng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ổn định, tăng cường tập trung năng lượng tái tạo của toàn ngành. Đặc biệt, TV2 có tiềm năng nhờ dự án nhiệt điện than Sông Hậu 2 (công suất 2,120 MW).
Rủi ro từ EVN
Tuy nhiên, bà Dương cho rằng ngành điện nói chung và xây lắp điện nói riêng vẫn chịu rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất là từ khoản lỗ của EVN (khoảng 30,000 tỷ đồng vào năm 2022 và hơn 17 ngàn tỷ đồng tại 2023).
Việc EVN thua lỗ sẽ dẫn đến sức ép về lợi nhuận cho các nhà máy điện và xây lắp, đẩy sản lượng bao tiêu của các nhà máy điện xuống thấp, trong khi hạn chế thủy điện trên thị trường cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp xây lắp điện, dù trúng thầu, cũng sẽ bị ép tỷ suất biên lợi nhuận.
Các rủi ro về pháp lý, như những vụ bắt giữ lớn trong năm 2023, được đánh giá là thấp, vì những vụ lớn nhất đã xảy ra rồi. “Dẫu vậy, rủi ro từ khoản lỗ của EVN tỏ ra nặng nề hơn” – trích lời bà Dương. Tuy nhiên, việc Chính phủ ban hành Quyết định 05 vào ngày 27/03 cho phép EVN điều chỉnh giá bán điện mỗi 3 tháng là một tín hiệu sáng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận