menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thục Quyên

“Chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh trễ hơn so với thế giới nhưng nhà đầu tư vẫn cần hành động có kỷ luật”

VN-Index vừa có một tuần giảm tới 100 điểm do phản ứng "trễ" của thị trường với thông tin về biến thể Omicron. Diễn biến này càng cho thấy sự khó lường...

Trong bối cảnh đó, thị trường lại xuất hiện thêm tin đồn mà hiện vẫn chỉ là tin đồn. Độ nhiễu của nó là không loại trừ, theo quan điểm của chuyên gia chứng khoán Bùi Văn Huy khi cùng BizLIVE nhìn lại những diễn biến vừa qua.

Thị trường lệch pha và những câu chuyện tin đồn

Câu chuyện về biến thể Omicron đã làm chao đảo thị trường chứng khoán thế giới nhưng thị trường Việt Nam lại đang có độ trễ trong biến động. Ông đánh giá thế nào về sự lệch pha này?

Về dịch bênh COVID-19 nói chung hay biến thể Omicron nói riêng, đây là sự kiện theo dạng thiên nga xám (grey swan) và như chúng ta đã biết nó đã tác động như thế nào đến chứng khoán toàn cầu khi mới xuất hiện.

Hiện nay, khi thế giới đã dần có nhiều hiểu biết hơn về đại dịch, các sự kiện theo sau COVID-19 sẽ bớt “xám” hơn và mức độ tác động sẽ không lớn như trước nữa. Biến chủng mới Omicron hay trước đó là Delta, đương nhiên không phải điều tích cực gì, nhưng với chiến lược sống chung với COVID ở hầu hết các quốc gia, chúng ta đã có đủ kinh nghiệm để có những phản ứng phù hợp trong những hoàn cảnh khác nhau.

Về góc nhìn liên thị trường, nỗi lo lớn hơn là Mỹ đã qua đỉnh của quá trình phục hồi, các quốc gia phát triển và mới nổi cũng dần đi đến đỉnh của quá trình phục hồi. Áp lực lạm phát toàn cầu đang ở mức đáng ngại, vì lịch sử cho thấy, mỗi khi Fed phải thừa nhận về rủi ro lạm phát hay giảm phát, rủi ro thực sự là rất lớn.

Chuyện các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt sẽ là chuyện sớm muộn, và theo nguyên tắc nước chảy chỗ trũng, khả năng bán ròng ở các thị trường mới nổi và cận biên là rất lớn.

Việt Nam đang lệch pha kinh tế do chịu COVID sau, do đó chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn cần tiếp tục mở rộng, nhưng để thực hiện điều đó trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao cũng như lệch pha kinh tế với các nước sẽ là thách thức.

“Chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh trễ hơn so với thế giới nhưng nhà đầu tư vẫn cần hành động có kỷ luật”

Theo quan sát của tôi, khoảng 20 chỉ số chứng khoán quen thuộc trên thế giới, từ Mỹ, - Âu – Á, có khoảng 13-15 chỉ số đã về quanh, thậm chí thủng MA200.

Với thị trường Việt Nam, nếu đủ tỉnh táo, khách quan và kỷ luật, không khó để lường trước diễn biến trong tuần vừa qua, vì thực sự dấu hiệu suy yếu là rất rõ từ đầu tuần qua, chứ không phải đến cuối tuần.

Thị trường mang tính đầu cơ cao khi các cổ phiếu đầu cơ tăng nhanh và thu hút dòng tiền quá đà. Sau đó thanh khoản thị trường kém, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu trụ khi bước qua tuần mới.

Trong khi đó, các yếu tố kỹ thuật thể hiện sự suy yếu, với sự phân kỳ xuất hiện trên các chỉ báo kỹ thuật (RSI, MACD….). Rồi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.

Bối cảnh chung như đã diễn đạt ở trên là khá xấu. Hầu hết các chỉ số chứng khoán trên thế giới đều điều chỉnh ít nhất 5-7% từ đỉnh. Do đó việc thị trường điều chỉnh trong tuần qua là không hề bất ngờ cho những ai tỉnh tảo.

Chỉ có điều thị trường Việt Nam giảm không trùng với những phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán thế giới.

Nguyên nhân khiến thị trường lệch pha là do các chỉ số chính của thị trường Việt Nam dễ bị chi phối bởi một số mã.

Trong những phiên có thể giảm sâu, sự xuất hiện của một vài nhóm cổ phiếu như họ Vingroup hoặc Ngân hàng trong những phiên giữa tuần là đủ cứu chỉ số không giảm sâu. Nhưng những nhân tố trên không thể cứu thị trường mãi được khi phần lõi đang suy yếu.

Thị trường Việt Nam trong thời gian qua được dẫn dắt bởi kỳ vọng và hầu hết trong số đó chưa điều gì là sự thực. Tin đồn với văn bản hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, tin đồn về gói kích thích kinh tế, tin đồn về nới room ngân hàng… Các văn bản đề xuất ở đâu đó (chưa kiểm chứng) được truyền tay trên các trang mạng tạo hiệu ứng lớn.

Trong thời gian qua, tin đồn có thể tóm tắt “03/12 sẽ họp về nới room một số ngân hàng…” rất phổ biến khiến nhóm ngân hàng có phiên tăng mạnh giữa tuần. Để rồi đến ngày 03/12 thật thì chẳng thấy có thông tin gì… khiến nhóm Ngân hàng bị bán tháo, kích hoạt phiên giảm điểm lớn.

Tóm lại, nhiều khi thị trường Việt Nam không đồng pha với thế giới vì các chỉ số rất dễ bị thao túng và nhiều câu chuyện riêng (câu chuyện riêng thật lẫn tin đồn).

"Margin không căng nhưng thị trường cần phải điều chỉnh"

Còn rủi ro margin, theo ông có thật sự đáng ngại như thông tin một số nhà đầu tư đang truyền tay nhau?

Nhân tố chính khiến thị trường tăng mạnh trong thời gian qua là dòng tiền mới F0 và dòng tiền margin. Hiện với mức chỉ số và thanh khoản trong quý 4/2021, đương nhiên margin lại lập đỉnh mới, điều đó không thể bàn cãi.

Tuy nhiên nếu tính vòng quay tổng lượng margin/thanh khoản thị trường thì không phải ở mức cao. Do đó rủi ro margin không phải quá lớn nếu dòng tiền không rút ra, do đó dấu hiệu duy trì của dòng tiền và thanh khoản cần theo dõi kỹ.

Cùng với đó, yếu tố cạn margin mang tính “kỹ thuật” của các CTCK đã được khắc phục sau khi nhiều CTCK tăng vốn thành công. Khi yếu tố này được khắc phục, quá trình “gồng” margin cũng sẽ hạn chế hơn khi nhà đầu tư nếu mua bán margin đã có thể linh hoạt hơn, do đó đây cũng là một yếu tố khiến rủi ro từ margin giảm xuống.

Còn với thị trường, điều chỉnh là hợp lý và không khó đoán. Các chỉ số chính trên thế giới đã rơi từ 5-7% trong các phiên gần đây, do đó mức giảm tương tự với VN-Index về 1.420-1.440 nếu có xảy ra cũng là điều không bất ngờ.

Câu hỏi quan trọng là thị trường đánh mất xu hướng dài hạn hay chưa? Nếu chưa thì đợt điều chỉnh giảm này là cơ hội, còn nếu mất xu hướng dài hạn, đương nhiên không nên tham gia.

Theo thống kê, hiện tại trên HOSE vẫn có khoảng trên 80% các cổ phiếu trên MA200. Về mặt thanh khoản, thanh khoản chưa xảy ra hiện tượng phân phối (khớp lệnh trên 50 ngàn tỷ trên HOSE), vùng chưa giảm đến mức đáng ngại. Do đó, nhịp điều chỉnh 5-7%, hay thậm chí 10% cũng chưa có gì đáng lo.

Cần lưu ý các yếu tố về chu kỳ kinh tế, vĩ mô và liên thị trường vẫn cho thấy Việt Nam trễ pha hơn một chút so với thế giới, do đó khả năng chứng khoán sẽ tạo đỉnh dài hạn sau các thị trường khác.

Thanh khoản hiện tại là yếu tố quan trọng. Hơn một năm trước, thanh khoản 5-7 ngàn tỷ trên HOSE vẫn có thể mang đến cơ hội, hiện tại thanh khoản trên 20 ngàn tỷ cũng không ngại gì với những cơ hội, chỉ cần biết kỷ luật và chọn lọc kỹ.

"Tuân thủ kỷ luật và chọn đúng cổ phiếu"

Trong thời điểm đang có biến động rất mạnh như vừa qua, ông có khuyến nghị gì với nhà đầu tư vừa thua lỗ do đợt giảm giá tuần vừa qua?

Trước tiên cần phải nói lại về môi trường đầu tư biến động hơn, điều này tôi đã nhiều lần đề cập. Ở thị trường Việt Nam hay nhiều thị trường khác, biến động tăng lên là điều rất dễ thấy.

Thị trường trở nên biến động hơn từ khi COVID-19 xuất hiện, trong hình tôi đánh dấu là những phiên VN-Index giảm > 3%, xuất hiện dày đặc hơn.

“Chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh trễ hơn so với thế giới nhưng nhà đầu tư vẫn cần hành động có kỷ luật”

Từ 2010 đến nay, có 53 phiên VN-Index giảm > 3%, Trong thời gian COVID-19, thị trường có vẻ biến động hơn.

Tính riêng 2021 đã có 9 phiên giảm > 3%. Phiên cuối tuần vừa qua, thị trường cũng đã giảm đến hơn 2,5%. Do đó, nhà đầu tư cần phải thích nghi với sự biến động đó, không để bị động trong những tình huống bất ngờ.

Ngoài việc chọn đúng ngành, cổ phiếu để chớp lấy cơ hội thì kỹ năng quản trị rủi ro cũng là một yếu tố rất lớn để mang lại lợi nhuận.

Như đã trình bày ở trên, biến động thị trường gia tăng, nhà đầu tư lại càng cần phải dự phòng mọi tình huống xấu. Đối với nhà đầu tư sử dụng margin, việc giữ margin hợp lý là rất cần thiết để tránh những nhịp biến động mạnh, làm sao tối thiểu có dư địa để cổ phiếu giảm 15-20% mà không bị margin call.

Cú giảm vừa qua đã cho nhà đầu tư thấy được thị trường không thể tăng một mạch mãi được. Do đó điều rất cần làm đó là phải biết kỷ luật, tiết chế trong những điểm mua nếu giao dịch ngắn hạn. Cú giảm tuần qua là không bất ngờ với những tín hiệu suy yếu mà chỉ cần khách quan thôi cũng dễ nhận ra. Mua mới, đặc biệt mua mới bằng margin trong những tình huống như vậy, đương nhiên là quyết định rất tệ rồi.

Nhìn chung chọn cổ phiếu hiện tại phải dựa trên triển vọng ngành, cổ phiếu, dư địa cơ bản, có nền giá tương đối chặt và phải có câu chuyện đủ hấp dẫn thể thu hút dòng tiền chảy mạnh hiện tại.

Nói thì dễ nhưng thực hiện đầy đủ như trên thì không phải nhà đầu tư nào cũng làm được. Thiếu một hay một vài yếu tố trên, trong những tình huống cụ thể đều nảy sinh ít nhiều vấn đề.

Xin cảm ơn ông.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,205.07

+0.10 (+0.01%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
8 Yêu thích
4 Bình luận 9 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại