Chiến thuật bình quân giá xuống và bài học cay đắng cho nhà đầu tư
Một kỹ thuật giao dịch là "sát thủ hàng loạt" đã tiễn đưa rất nhiều Trader, đặc biệt là F0 về miền cực lạc, đó là trò chơi Bình quân giá xuống.
Bình quân giá xuống là hiện tượng nhồi thêm lệnh khi giá giảm. Giá càng giảm thì Trader càng đặt thêm nhiều lệnh. Mục đích nhằm kỳ vọng một khi giá quay lại tăng thì Trader sẽ nhanh chóng có lợi nhuận.
Giả sử Trader đang mua 100 cổ phiếu A ở giá 10,000 đồng. Giá giảm xuống còn 8,000 đồng. Lúc này, Trader tiếp tục mua vào thêm 100 cổ phiếu A nữa. Như vậy, khối lượng nắm giữ của Trader lúc này là: 100 cổ phiếu A ở giá 10,000 và 100 cổ phiếu A ở giá 8,000. Tính ra sẽ là bình quân thành 200 cổ phiếu A ở giá 9,000 đồng/cp. Lúc này, giá thị trường chỉ cần tăng lên 9,000 là Trader đã hòa vốn.
Đây là hành động bình quân giá của Trader. Trader đã làm cho giá mua 10,000 đồng ban đầu trở nên thấp hơn bằng cách mua thêm ở giá 8,000 đồng.
Cũng trong ví dụ trên, nếu giá tiếp tục đi xuống, Trader lại mua thêm 400 cổ phiếu A ở giá 6,000 đ/cp. Lúc này, giá bình quân của Trader đó sẽ là: (6,000x400 + 8,000x100 + 10,000x100)/600 = 7,000 đ/cp. Có nghĩa là chỉ cần giá quay lại vùng 7,000 đ/cp là Trader đã hòa vốn, kể cả lệnh đầu tiên mua ở 10,000 đ/cp và lệnh 2 mua ở giá 8,000 đ/cp.
Lợi và hại của bình quân giá xuống
Kỹ thuật bình quân giá thường Cá Mập dùng để mua hoặc bán 1 khối lượng lớn và muốn vào thị trường dần dần, không muốn mua hẳn 1 lần gây náo loạn thị trường. Họ sẽ mua dần khi giá giảm. Tuy nhiên, họ đều có 1 vùng DỪNG LỖ nhất định. Khi giá phá vùng này thì họ đóng hết lệnh đã bình quân.
Chính vì lý luận nghe có vẻ hợp lỗ tai là "chỉ cần giá quay lại tý thôi là ta hòa vốn" nên nhiều Trader đã bị lậm vào món Bình quân giá này. Vì vậy, chúng ta xem tiếp những cái hại nhé.
Một trong những bài học cay đắng nhất của tôi trong những năm đầu chơi chứng khoán chính là trung bình giá xuống. Nếu tôi mua một trăm cổ phiếu ở giá 50 và ba ngày sau nó chỉ còn 47, một trong những thôi thúc lớn nhất của tôi lúc ấy là mua thêm 100 cổ phiếu nữa để trung bình giá vốn xuống chỉ còn 48.5.
Bây giờ, thay vì phải lên lại 50 mới hòa vốn, tôi sẽ bán khi cổ phiếu lên lại 48.5 và vẫn đạt được hòa vốn, thật tuyệt phải không?
Nhưng nếu nó không lên lại 48.5 thì sao? Nếu cổ phiếu đó tiếp tục xuống chỉ còn 44? Không sao, tôi vẫn còn tiền. Tôi sẽ mua tiếp 200 cổ phiếu nữa ở giá này. Nếu tôi mua được ở giá 50 thì tại sao tôi lại không mua được ở giá 44 cơ chứ? Warren Buffett chả nói nếu giá cổ phiếu càng xuống thì ông càng mua thêm đó sao?
Và tôi tiếp tục mua thêm 400 cổ phiếu ở 41 và 800 cổ phiếu ở giá 38. Không hề gì. Tổng cộng, tôi đã mua 100x50 + 100x47 + 200x44 + 400x41 + 800x38 và giờ tôi có 1.600 cổ phiếu giá vốn trung bình 40.3.
Thật tuyệt đúng không, giá trên sàn vẫn là 38 và chỉ cần một phiên tăng trần thôi tôi sẽ gỡ lại tất cả. Thực ra tôi đang chơi trò martingale, một chiến thuật cá cược thịnh hành từ thế kỉ 18 ở Pháp. Đó là tôi sẽ có xu hướng đặt cược nhiều hơn sau mỗi lần thua với lí do là chỉ cần một lần thắng, tôi sẽ gỡ lại tất cả. Và tôi tin rằng chuỗi thua cược của tôi sẽ phải có lúc dừng lại.
Có hai vấn đề ở đây, một là tôi có bao nhiêu tiền để tăng mức đặt cược của mình sau mỗi lần thua? Nói cách khác, ví của tôi dày đến đâu để giúp tôi "trụ hạng"? Và hai là nếu như giá cổ phiếu KHÔNG BAO GIỜ quay lại mức 40.3 thì sao? Thay vì cắt lỗ ở 47 và lỗ 300; nếu tôi cắt lỗ ở 38 (giá hiện tại), tôi sẽ lỗ 3.680, gấp gần 12 lần mức lỗ ban đầu.
Và đấy còn là may mắn, nếu giá xuống 35 và tôi buộc phải bán vì một lí do nào đó, tôi sẽ lỗ 8.480, gấp 18 lần số lỗ ban đầu. Và khi đó thì "sự nghiệp chơi chứng" của tôi gần như sẽ đi đứt. Còn Buffett thì sao? Buffett chiến thắng bởi ông biết được giá trị nội tại của doanh nghiệp và ông chỉ mua nếu giá cổ phiếu thấp hơn giá trị đó, càng thấp hơn ông càng mua nhiều hơn.
Còn tôi? Tôi đương nhiên không phải là Buffett và tôi càng mơ hồ về giá trị nội tại của một doanh nghiệp và hơn nữa tôi không có được sự kiên nhẫn và càng không có tài khoản đủ dày để chịu đựng một đợt điều chỉnh mạnh như vậy. Và cuối cùng, tôi là một trader chứ không phải là một nhà đầu tư dài hạn có thể ôm một cổ phiếu tới 10 năm và không cần nhìn đến bảng giá của nó như Buffett.
Tôi cũng không trúng Vietlott thường xuyên đến mức nghĩ rằng giá cổ phiếu của tôi bỗng nhiên bật dậy vào ngày mai chỉ vì tôi may mắn. Tôi sẽ luôn nghĩ đến việc mình sẽ mất bao nhiêu tiền nếu như giá cổ phiếu xuống, thay vì chỉ mua và cầu nguyện là nó sẽ đi lên. Vì thế, tôi sẽ không bao giờ trung bình giá xuống. Chỉ có những kẻ thua cuộc mới trung bình giá xuống.
Lưu ý: Mọi thông tin đều mang tính chất tham khảo. 24HMoney không chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư khi sử dụng những thông tin này. |
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường