Cập nhật lợi nhuận quý 2: Nhóm phi tài chính tăng mạnh, VGC "dìm" bất động sản
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm Phi tài chính cải thiện đáng kể, đạt tăng 17,6% so với tăng 8,6% trong lần cập nhật trước đó nhờ tăng trưởng tốt hơn ước tính của Cảng hàng không (ACV), Thực phẩm (MCH), nhóm Đa ngành (MSN)...
Nguồn: FiinTrade.
Tính đến sáng ngày 29/7/2024, đã có 668 doanh nghiệp đại diện 47,2% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý 2/2024, thống kê từ FiinTrade.
Trong đó: Lợi nhuận sau thuế Q2/2024 của 668 doanh nghiệp này tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với ước tính trong lần cập nhật gần nhất tăng 21,6%. Đáng chú ý là tăng trưởng của nhóm Phi tài chính cải thiện trong khi nhóm Tài chính ghi nhận mức tăng thấp hơn.
Nhóm Tài chính đạt mức tăng 26,6% so với cùng kỳ về lợi nhuận sau thuế trong quý 2, thấp hơn so với lần cập nhật gần nhất (+34,2%) chủ yếu do ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh kém tích cực của VIB. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của VIB quý 2 ước đạt 1.678 tỷ đồng giảm -28,8% so với cùng kỳ và -16,1% so với quý 1/2023.
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm Phi tài chính cải thiện đáng kể, đạt tăng 17,6% so với tăng 8,6% trong lần cập nhật trước đó nhờ tăng trưởng tốt hơn ước tính của Cảng hàng không (ACV), Thực phẩm (MCH), nhóm Đa ngành (MSN).
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 với doanh thu đạt 5.535 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn tăng chậm hơn doanh giúp lãi gộp đạt 3.460 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Khoản chi phí lớn nhất của ACV là chi phí quản lý doanh nghiệp lại được tiết giảm đến 60% chỉ còn 243 tỷ đồng do giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các hãng hàng không. Nhờ đó, ACV báo lợi nhuận sau thuế 3.228 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý đầu tiên kể từ khi hoạt động ACV ghi nhận lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng và cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của doanh nghiệp chuyên khai thác cảng hàng không này.
Tương tự, Tập đoàn Masan (MSN) báo cáo quý 2 doanh thu hợp nhất đạt 20.134 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Con số khả quan theo doanh nghiệp là nhờ tăng trưởng ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. Công ty còn được hưởng lợi nhờ giảm được hàng trăm tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh 38% nguồn thu từ các công ty liên kết, trong khi chi phí bán hàng và quản lý gia tăng không quá lớn.
Kết quả, Masan Group báo lãi sau thuế 946 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ và là lợi nhuận cao nhất từ sau quý 2/2022 đến nay. Lợi nhuận sau phân bổ cổ đông thiểu số còn 503 tỷ đồng, tăng 377% so với cùng kỳ và thậm chí cao hơn cả năm 2023.
Masan Consumer - MCH cũng vừa công bố cáo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thuần đạt 7.387,5 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính đi ngang so với cùng kỳ, đạt 455 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm hơn 42% về 78,2 tỷ đồng, chi phí khác giảm xuống còn 540 triệu đồng, tương ứng giảm 77,4% so với cùng kỳ. Masan Consumer báo lãi sau thuế quý 2 kỷ lục gần 1.779 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngược lại, Bất động sản khu công nghiệp chứng kiến lợi nhuận đảo chiều từ “tăng” sang “giảm” khi có thêm Viglacera (VGC) trong lần cập nhật này. Trong quý 2/2024, lợi nhuận sau thuế của VGC giảm 73,3% so với cùng kỳ 2023 do nguồn thu từ mảng cho thuê Khu công nghiệp bị giảm mạnh và mảng vật liệu xây dựng chưa hồi phục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận