Cảng Phước An tiếp tục thay đổi kế hoạch sử dụng tiền của cổ đông
Ngày 27/06, Cảng Phước An có lần thứ 2 trong vòng hơn 1 tháng thông báo thay đổi phương án sử dụng số tiền 580 tỷ đồng huy động từ gần 2 năm trước.
Phối cảnh cảng Phước An bên bờ sông Thị Vải, nằm trong hệ thống cảng biển khu vực TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu. Nguồn: PAP
Cụ thể, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) thực hiện điều chỉnh số tiền thanh toán cho “gói thầu XL02: thi công xây dựng bến cảng, kè bảo vệ bờ, đường bãi, cầu nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện và công trình phụ trợ - cảng Phước An (phân kỳ 1)” tăng từ 94 tỷ đồng lên gần 105 tỷ đồng.
Giảm số tiền thanh toán “gói thầu mua sắm 1 – cung cấp, lắp đặt thiết bị đặc chủng/chuyên dụng (đã bao gồm chi phí tài chính như mở L/C, bảo lãnh)” từ 162.5 tỷ đồng còn 161 tỷ đồng. Công ty bỏ hạng mục “gói thầu mua sắm 4 – cung cấp, lắp đặt xe nâng” giá trị 3.6 tỷ đồng; giảm số tiền chi vào “gói thầu mua sắm 6 – cung cấp, lắp đặt rơ mooc” từ 4 tỷ đồng còn 1.4 tỷ đồng.
Tương tự, “gói thầu mua sắm 7 – cung cấp, lắp đặt trạm cân” giảm còn 425 triệu đồng so với 3.6 tỷ đồng dự tính trước đó. Các nội dung còn lại giữ nguyên.
Nguyên nhân thay đổi là do tình hình hoạt động của Công ty và tình hình triển khai dự án cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng (Logistic).
PAP giao Tổng Giám đốc chủ động quyết định số tiền sử dụng cụ thể để thanh toán chi phí cho dự án, đảm bảo tiến độ triển khai dự án và hiệu quả sử dụng vốn, bổ sung vốn lưu động nhưng không vượt quá 23 tỷ đồng.
Trong quá trình sử dụng vốn, HĐQT giao Tổng Giám đốc dùng số tiền nhàn rỗi vào mục đích khác nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động cho Công ty như đầu tư tài chính ngắn hạn; cho các cá nhân/tổ chức khác vay ngắn hạn,…Tuy nhiên, Tổng Giám đốc phải đảm bảo sau khi thu hồi các khoản đầu tư/cho vay này, số tiền sẽ được sử dụng đúng vào mục đích đã được HĐQT phê duyệt.
Giữa tháng 05/2024, PAP cũng đã thực hiện điều chỉnh, qua đó không còn “gói thầu mua sắm số 5 – cung cấp, lắp đặt xe tải” số tiền 2.1 tỷ đồng; “gói thầu tư vấn giám sát cung cấp, lắp đặt thiết bị cảng – cảng Phước An (phân kỳ 1) giá trị 1.6 tỷ đồng; “gói thầu mua sắm số 2 – cung cấp, lắp đặt xe nâng container hàng, xe nâng container rỗng, đầu kéo” giảm từ 6.5 tỷ đồng xuống còn 2.8 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, “gói thầu mua sắm số 1” được nâng từ 149.5 tỷ đồng lên 162.5 tỷ đồng.
Số tiền 580 tỷ đồng trên được PAP huy động từ 4 nhà đầu tư cá nhân vào năm 2022 sau khi chào bán 50 triệu cp với giá 11,600 đồng/cp. Vốn điều lệ tăng từ 1.5 ngàn tỷ đồng lên 2 ngàn tỷ đồng.
Danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu trong đợt phát hành năm 2022. Nguồn: PAP
Lũy kế đến cuối năm 2023, dự án cảng Phước An đã giải ngân gần 3.9 ngàn tỷ đồng. Riêng năm ngoái tăng thêm 1.5 ngàn tỷ đồng. Chi phí triển khai dự án chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 1.5 ngàn tỷ đồng.
Mới đây, lãnh đạo PAP đã thông qua triển khai phương án chào bán 38 triệu cp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá 12,000 đồng/cp, bằng nửa thị giá cổ phiếu PAP, dự kiến thu về 456 tỷ đồng. Công ty khả năng sẽ bán cho 5 nhà đầu tư cá nhân, 4 trong số đó là cổ đông của PAP. Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này sẽ nâng lên 21.58%.
Số tiền thu được nhằm thanh toán chi phí liên quan đến các gói thầu thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân kỳ 1 dự án cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần được ĐHĐCĐ thông qua. Cụ thể là thanh toán cho nhà thầu liên quan đến hợp đồng thi công gói thầu XL02, dự kiến giải ngân vào quý 2 – 3 năm nay. Trường hợp không huy động đủ, PAP sẽ chủ động bổ sung các nguồn khác hợp lệ để đảm bảo tiến độ thanh toán cho nhà thầu.
Danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu PAP. Nguồn: PAP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận