Các đại gia công nghệ Trung Quốc tăng trưởng thấp kỷ lục
Các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng vọt trở lại tại Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải áp dụng một loạt các biện pháp nghiêm ngặt của chính sách “zero-Covid”.
Những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đang trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn. Chính sách zero-Covid và sức mua của người tiêu dùng suy giảm đang đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong quý II, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng đi ngang. Trong khi đó, doanh thu quý của nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, mạng xã hội và trò chơi Tencent cũng lần đầu tiên sụt giảm trong lịch sử. Tương tự, hãng thương mại điện tử JD.com đạt mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi thành lập, còn nhà sản xuất xe điện Xpeng phải chịu lỗ cao hơn.
Các công ty nói trên hiện có tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 770 tỷ USD.
Trong quý II, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid tăng trở lại. Quốc gia tỷ dân vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid với một loạt các biện pháp kiểm soát dịch cứng rắn như phong tỏa và xét nghiệm diện rộng. Một số thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải, bị phong tỏa trong nhiều tuần.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II, tác động tiêu cực tới niềm tin của người dùng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu vào các mảng quảng cáo và điện toán đám mây.
Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba, cho biết: “Dịch bệnh bùng phát tại Thượng Hải và một số thành phố lớn khác, nên doanh số bán lẻ tháng 4 tháng 5 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số tháng 6 dù đã phục hồi lại nhưng còn tương đối chậm. Hiện Alibaba đã phải trì hoãn một số dự án điện toán đám mây và chịu ảnh hưởng về mạng lưới vận tải.
Tencent, công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, cũng chịu tác động không nhỏ từ chiến lược zero Covid. Doanh thu từ dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) tăng chậm hơn so với các quý trước do số lượng người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán di động WeChat Pay ngày càng giảm. Doanh thu quảng cáo trực tuyến cũng giảm mạnh do các công ty thắt chặt ngân sách.
Trong khi đó, dịch vụ giao đồ ăn JD.com ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặc dù kiểm soát tốt chuỗi cung ứng và hàng tồn kho trong quý II, công ty này vẫn phải đối mặt với tình trạng gia tăng chi phí.
Nhà sản xuất ôtô điện XPeng dự kiến sẽ bàn giao 29.000-31.000 xe trong quý III, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Chủ tịch Xpeng Brian Gu cho biết, “lượng khách tới showroom giảm hẳn so với trước đây”.
Những “gã khổng lồ” Internet của Trung Quốc đã ăn nên làm ra trong thời kỳ đại dịch. Lợi nhuận của các hãng này đã tăng vọt do nhiều người chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến như mua sắm, trò chơi khi các thành phố bị phong toả. Vì vậy, việc làm thế nào để doanh thu năm nay có thể vượt qua ngưỡng ấy trở thành bài toán đau đầu cho những người vận hành.
Thêm vào đó, lĩnh vực công nghệ của quốc gia tỷ dân tiếp tục phải đối mặt cái nhìn khắt khe hơn từ phía chính quyền. Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định pháp lý trong một số lĩnh vực từ trò chơi cho tới bảo vệ dữ liệu người dùng.
Vì thế, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với các năm trước đó, không ít nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về triển vọng của lĩnh vực này.
Tariq Dennison, Giám đốc tài sản GFM Asset Management chia sẻ: “Tôi thấy đặc biệt chú ý tới sự xoay chuyển tình thế mà các công ty công nghệ lớn phải đối diện. Thời gian đầu, Covid-19 được dự báo sẽ mang lại không ít lợi ích cho lĩnh vực công nghệ khi người dân phần lớn ở nhà, và họ phải tìm tới hình thức mua sắm trực tuyến và các phương thức giải trí nhằm giải phóng sự bí bức”.
“Hiện tượng doanh thu và lợi nhuận của một số công ty công nghệ lớn giảm thời gian gần đây phản ánh tác động của chiến lược zero Covid trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lâu dài, trong đó có cả tôi, cũng buộc phải điều chỉnh lại dự báo triển vọng tăng trưởng dài hạn của những tên tuổi này”, ông nói.
Tencent, Alibaba và JD.com trước đây luôn ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng năm cao hơn 25% và sẽ rất đáng lo ngại nếu tình trạng hiện tại kéo dài, Dennison chia sẻ. “Nếu quý II là điểm khởi đầu cho một giai đoạn tăng trưởng chậm ở ngưỡng một con số, định giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn”, ông nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận