Bí mật đồng tiền: Khi trading cần bỏ 'cái tôi' ra ngoài
Các chuyên gia chia sẻ quan điểm về việc "lướt sóng" cổ phiếu cũng như những tác dụng của hoạt động này tới thị trường chứng khoán.
“Vô tình lướt sóng để rồi thành cổ đông” là câu nói vui mà lại không vui của nhà đầu tư chứng khoán, ám chỉ việc nhà đầu tư mua cổ phiếu với ý định lướt sóng nhưng vô tình lại trở thành cổ đông khi bị mắc kẹt, “xa bờ”, không thể “thoát hàng”.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền ngày 13/4, ông Hoàng Thanh Tùng, CEO CTCP Đầu tư Finpros ví việc trading (lướt sóng) như hình tượng con hổ rình mồi, cần phải chờ cơ hội xuất hiện mới làm chứ không thể trading liên tục. Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận đa phần nhà đầu tư có sở thích lướt sóng. Điều này xuất phát từ tâm lý phổ biến là hay "gồng lỗ" hơn là "gồng lãi".
Chính tâm lý thay đổi liên tục của nhà đầu tư sẽ tạo ra những giao dịch trên thị trường. Nếu nhà đầu tư nào cũng nắm giữ cổ phiếu rất lâu thì thị trường không thể có thanh khoản. Do vậy, tất cả các thị trường đều cần những đầu cơ. Các giao dịch của họ có thể có thắng, có thua nhưng sẽ giúp những người thực mua hay thực bán có thể giao dịch nhanh hơn và dễ dàng hơn.
BTV Ngọc Trinh chia sẻ quan điểm rằng đầu cơ không xấu nhưng khi tham gia cần có sự xác định tâm thế giao dịch như thế nào cho đúng để tránh tình trạng “tưởng là lãi nhưng lại không lãi chút nào”.
Chương trình Bí mật đồng tiền ngày 13/4.
Nói về điều này, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, chỉ ra sai lầm thường gặp nhất khi trading là tâm lý sợ thua lỗ. Nhà đầu tư thường cho rằng thua lỗ là điều tồi tệ hơn mất lãi. Tâm lý khó chấp nhận thua lỗ này liên quan đến "cái tôi lớn". Chính điều này khiến nhà đầu tư khó khăn trong việc hiện thực hóa khoản lỗ đó và thường xuất hiện tình trạng giữ nó đến lúc "về bờ" để không có cảm giác kém cỏi. Điều này thậm chí còn tệ hơn khi họ bắt đầu “cưa chân bàn” - tức là bắt đầu mua trung bình giá xuống. Đây là việc có thể dẫn tới khoản lỗ nặng nề hơn và là tâm lý cần nên tránh.
“Đầu tư chỉ cần có lợi nhuận, cái tôi không quan trọng lắm nên bỏ ra ngoài cũng được. Nhận sai rồi làm lại chứ nếu cứ cố chờ về bờ, trung bình giá vốn là điều không nên”, ông Hưng đưa ra lời khuyên.
Về ngưỡng cắt lỗ hay chốt lãi để nhà đầu tư không cảm thấy thiệt thòi, theo ông Hoàng Thanh Tùng, điều này phụ thuộc vào từng mã chứng khoán khác nhau. Ông chia sẻ một nguyên tắc đơn giản nhất là nhà đầu tư cần để ngưỡng chốt lời lớn hơn cắt lỗ. Ví dụ một lần giao dịch lãi phải đủ bù cho một lần thua cộng với thuế phí của cả 2 lần giao dịch. Thậm chí có thể đặt mức chốt lãi gấp 2 lần cắt lỗ.
Về quan điểm trading thường thắng hoặc thua theo chuỗi, giống như đánh bạc hoặc cá độ tỷ số, ông Tùng đánh giá quan điểm này là không đúng do đánh bạc là “zero sum game” và còn phải trả phí… Trong trường hợp “đánh” với nhà cái sẽ không có “cửa” thắng. Trong khi đó, trading không phải như vậy, thị trường chứng khoán không phải tổng bằng không, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán còn có trả cổ tức. Việc trading liên tục lãi hay lỗ có thể được giải thích thông qua vấn đề tâm lý. Khi giao dịch có lãi trong một vài lần, bộ não sẽ ở trong trạng thái tốt, thăng hoa, nhìn vấn đề rất rõ, sáng suốt. Nhưng khi liên tục thua lỗ, trạng thái sẽ ngược lại hoàn toàn, nhà đầu tư không kiểm soát được, nhìn mọi thứ với tâm lý sợ hãi. Cá nhân ông Tùng có ghi lại nhật ký giao dịch qua đó nhìn lại được việc lãi lỗ trong quá trình đầu tư.
Theo quan điểm của ông Hưng, việc nhà đầu tư nói đến thắng thua theo chuỗi, trong một số trường hợp chỉ là giao dịch theo xu hướng tăng hoặc giảm của thị trường. “Phương pháp thắng liên tục không có gì đặc biệt, chẳng qua chúng ta đã đi qua mùa hoa đẹp nhất”, ông Hưng chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường