"Bắt dao rơi” ngành thép, nhà đầu tư cá nhân lỗ nặng, tỷ phú USD mất nghìn tỷ
Trong tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục ghi nhận những kỷ lục mới, tuy nhiên những cổ đông của ngành thép vẫn ghi nhận lỗ nặng. Có không ít nhà đầu tư bị “đứt tay” khi quyết định “bắt dao rơi”.
Kể từ đầu tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục phá đỉnh, hết đỉnh này đến đỉnh khác. Trong đó, trong phiên giao dịch ngày 3/11 tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 52 nghìn tỷ đồng (tương đương 2.26 tỷ USD), thiết lập mức kỷ lục mới về thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về điểm số, chỉ số VNINDEX cũng thiết lập kỷ lục mới 1.476,57 điểm trong phiên giao dịch ngày 15/11. Tuy nhiên, trong đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua những cổ đông ngành Thép này lại chỉ biết đứng bên ngoài cuộc vui ấy.
Anh Nguyễn Văn Tuấn một nhà đầu tư đến từ Hà Nội thừa nhận đang bị “đứt tay” khi nhảy vào “bắt rao rơi” với cổ phiếu thép. Nhà đầu tư này chia sẻ, trong tài khoản đầu tư hơn 200 triệu đồng của mình hiện nay có tới 2/3 là cổ phiếu ngành thép với các mã như HPG, NKG và HSG và hiện đang phải “gồng lỗ”.
Anh Tuấn kể khi cổ phiếu NKG điều chỉnh xuống mức 49.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/11 đã xuống tiền gia tăng đầu tư vào ngành thép. Tuy nhiên, cú “bắt dao rơi” của anh đã không thành công khi ở những phiên giao dịch sau đó cổ phiếu ngành Thép tiếp tục lao dốc. Đến phiên giao dịch ngày 18/11, NKG rơi thẳng xuống quanh vùng 44.000/cổ phiếu. Trong khi riêng khoản đầu tư vào NKG đang chiếm 40% giá trị đầu tư của anh.
Tương tự với mã HPG, từ mức lãi ghi nhận gần 10% đầu tháng 11, đến nay khoản đầu tư của anh vào cổ phiếu doanh nghiệp của tỷ phú USD Trần Đình Long cũng đã ghi nhận âm hơn 5% khi trong phiên giao dịch ngày 18/11, HPG rơi xuống vùng 49.950 đồng/cổ phiếu.
Anh Tuấn chia sẻ bản thân mình không phải là nhà đầu tư duy nhất ghi nhận lỗ tạm thời khi tham gia “bắt dao rơi” với cổ phiếu ngành thép bởi nhiều người bạn đầu tư với anh và nhiều thành viên trong các diễn đàn về chứng khoán cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Chị Ngọc Hà, một nhà đầu tư đến từ Thanh Hóa chia sẻ phần lớn lợi nhuận có được từ đầu tư chứng khoán của mình kể từ đầu năm đến nay đang phải “cân” cho khoản lỗ từ việc nhảy vào “bắt dao rơi” cổ phiếu thép trong những phiên giao dịch vừa qua.
Nhà đầu tư người Thanh Hóa cho biết nếu tính từ mức đỉnh cuối tháng 10 là 58.000 đồng/cổ phiếu, HPG đã giảm giá hơn 14%, HSG giảm từ mức đỉnh 49.850 đồng/cổ phiếu giữa tháng 10 đến nay tương ứng giảm tới 20%, NKG giảm từ mức đỉnh 55.700 đồng ngày 20/10 đến nay cũng đã giảm tương ứng gần 20%.
Cả anh Tuấn và chị Hà cùng thừa nhận với các cổ đông dài hạn thì mức giảm này của dòng thép cũng nhẹ nhàng nhưng với những cổ đông thép mua vào vì thông tin lãi lớn của doanh nghiệp gần đây đành ngậm ngùi mỗi ngày nhìn tài khoản bị bào mòn.
Trên các diễn đàn về đầu tư chứng khoán, câu chuyện giảm giá của cổ phiếu ngành thép kể từ đầu tháng 11 đến nay liên tục được đưa ra bàn luận. Chị Thanh Thủy, một nhà đầu tư khác đến từ Hà Nội cho biết: "Thép là nhóm ngành lãi nhất sàn quý 3 năm nay nếu tính về hiệu suất sử dụng vốn, nhưng lãi kỷ lục mà giá cổ phiếu lao dốc còn hơn những doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. Thật không thể hiểu nổi thị trường này nữa".
Trong khi nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang phải “gồng lỗ” vì quyết định bắt dao rơi của mình. Khối tài sản nghìn tỷ của những ông chủ doanh nghiệp thép cũng ghi nhận đà giảm mạnh theo giá cổ phiếu.
Theo đó, với việc giá cổ phiếu HPG đã giảm hơn 14% kể từ mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 10 vừa qua, khối tài sản của tỷ phú USD Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 58.260 tỷ đồng, tương đương giảm tới hơn 9.390 tỷ đồng kể từ ngày 28/10.
Trong khi đó, khối tài sản của đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận giảm mạnh cùng với giá cổ phiếu HSG. Hiện khối tài sản của doanh nhân 58 tuổi người Quảng Nam giảm xuống chỉ còn khoảng 3.260 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận