Bão cổ phiếu 'vua' đổ bộ sàn chứng khoán: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Cùng với làn sóng tăng vốn, chia cổ tức, hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ dội sàn chứng khoán nửa cuối năm nay. Đây vừa là rủi ro, vừa là cơ hội cho nhà đầu tư.
Nhà băng dồn dập tăng vốn
Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay đã thông qua kế hoạch tăng vốn khủng của hàng loạt ngân hàng, 6 tháng cuối năm đang là thời điểm để các ngân hàng chạy đua hiện thực hóa kế hoạch này.
Ngày 23/8 tới là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức 20% bằng cổ phiếu của MB. Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.
Trong tuần này, VPBank cũng thông báo giải tỏa 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, được phát hành theo chương trình ESOP 2021, tương đương 4,46 triệu cổ phiếu đã được tung ra thị trường. Ngân hàng này cũng thông báo sẽ phát hành 30 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022 và dự kiến phát hành hơn 2,2 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức 50% trong những tháng tới.
Trước đó, MSB cũng đã có Nghị quyết của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Dự kiến, trong quý III/2022, HDBank cũng sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ trả cổ tức 25%. Trong khi đó, lãnh đạo SHB cho biết, đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án tăng vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng.
Kienlongbank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm hơn 578 tỷ đồng. Techcombank được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm 63,2 tỷ đồng bằng hình thức ESOP.
Hồi đầu tháng 7/2022, VIB đã hoàn tất phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên.
Theo thống kê, trong năm nay, có trên 20 ngân hàng tăng vốn điều lệ với tổng mức vốn điều lệ tăng thêm hàng chục ngàn tỷ đồng, tương ứng với hàng chục tỷ cổ phiếu “dội sàn” chứng khoán năm nay. Hiện tại, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã hoàn tất hoặc sắp hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, BIDV, Vietcombank) vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể tăng vốn do vẫn phải đợi sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Theo TS. Châu Đình Linh, chuyên gia kinh tế, tăng vốn là nhu cầu cấp thiết của các ngân hàng. Mặc dù tiềm lực của hệ thống ngân hàng đã mạnh lên đáng kể thời gian qua, song nhìn chung ngân hàng Việt vẫn còn mỏng vốn. Việc bổ sung vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, Basel III, cũng như để cải thiện Hệ số An toàn vốn (CAR) - một trong những yếu tố để NHNN căn cứ cấp room tín dụng là rất cấp bách. Trong đó, tăng vốn bằng việc “chia cổ phiếu giấy” là giải pháp dễ dàng nhất cho các ngân hàng.
Cơ hội hay rủi ro cho nhà đầu tư?
Những tuần gần đây, cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá tích cực và nhiều phiên dẫn dắt thị trường. Nguy cơ nợ xấu không đáng ngại như những dự báo trước đó, khả năng NHNN sớm cấp room tín dụng còn lại cho một số ngân hàng và có thể nới nhẹ trần tăng trưởng tín dụng chung từ cuối quý III/2022, lãi suất cho vay tăng tăng đáng kể giúp biên lãi thuần (NIM) được giữ vững… là một số yếu tố giúp triển vọng lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng tiếp tục sáng sủa.
Ngoài triển vọng ngành rất khả quan, thì làn sóng tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng. Điều này giúp cổ phiếu vua được kỳ vọng tiếp tục tăng giá thời gian tới và sẽ dẫn dắt thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm có dư địa tốt hơn, bền vững hơn nhóm khác trong nhóm vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt đà tăng thị trường”.
Tuy vậy, trong nhóm ngân hàng, không phải cổ phiếu nào cũng có tiềm năng tăng trưởng giống nhau. Theo các chuyên gia, những ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tốt, dự phòng nợ xấu cao, tỷ trọng bán lẻ cao, có cơ hội được nới room tín dụng lớn, cơ cấu thu ngoài lãi cao… sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng hơn các ngân hàng còn lại.
Theo ông Trần Tánh, Phó trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu (CTCK Yuanta Việt Nam), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 20%, trong khi giá cổ phiếu lại đang thấp hơn 30-40% so với mức đỉnh của giai đoạn trước. Chỉ số P/B của ngành ngân hàng nằm ở mức khoảng 1,5 lần. Nói cách khác, cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá hấp dẫn và là mức nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư trung, dài hạn. Chính vì vậy, dù khó có “sóng” cổ phiếu ngân hàng như năm qua, song cổ phiếu vua sẽ phục hồi tốt giai đoạn tới và là nhóm ngành dẫn dắt thị trường tăng trưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận