Áp lực chi phí bồi thường, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ kém khả quan
Nếu không có hoạt động tài chính làm trụ đỡ, ắt hẳn lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khó tránh khỏi cảnh đi lùi trong quý đầu năm trước sức ghì ngày càng tăng của chi phí kinh doanh bảo hiểm.
Doanh thu không đuổi kịp đà tăng chi phí
Theo dữ liệu của VietstockFinance, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý 1/2023 của 11 doanh nghiệp bảo hiểm trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt hơn 17 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
Tuy nhiên, tổng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp lại lao dốc 34%, còn 909 tỷ đồng, khi doanh thu bảo hiểm không đuổi kịp đà tăng của chi phí.
Tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng 9%, lên 16,777 tỷ đồng gồm cả chi phí bồi thường và chi phí khác cho hoạt động kinh doanh đều tăng mạnh. Trong đó, tổng chi phí bồi thường quý 1/2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 11,446 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Chi phí khác cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 3%, lên 5,248 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn nhích 1% so với cùng kỳ, lên 1,464 tỷ đồng.
Trụ đỡ cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chính là hoạt động tài chính có lãi tăng đến 23% trong quý 1, đạt 3,062 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 3,740 tỷ đồng tổng doanh thu tài chính, tăng 4% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 13%, lên 680 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp tài chính tăng mạnh hơn, đạt 23%, lên 3,062 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, vẫn có một số doanh nghiệp thu về lợi nhuận cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, với lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính đều tăng mạnh trong quý 1/2023, Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1 năm nay khi thu về lợi nhuận ròng gần 210 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ năm trước.
Trái lại, lợi nhuận trước thuế quý 1 của Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (BLI) có mức giảm mạnh nhất do hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều có lợi nhuận giảm mạnh.
BLI cho biết, hoạt động đầu tư tài chính của BLI cũng có lợi nhuận giảm 77% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 18 tỷ đồng do lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm đến 100%, còn gần 8 triệu đồng, khi tình hình thị trường chứng khoán bất lợi hơn so với quý 1 năm trước.
Doanh nghiệp đầu tiên đi hơn nửa chặng đường chỉ sau quý đầu năm
Với lợi nhuận tăng mạnh, VNR là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên hoàn thành được hơn phân nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm dù chỉ mới đi qua quý đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ thực hiện kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2022 từ 21 - 34%. Riêng AIC, BVH và PTI chưa công bố kế hoạch kinh doanh cụ thể khi chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Theo nhận định của chuyên gia CTCK SSI, tăng trưởng doanh thu phí ở mức ổn định, tuy nhiên, lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ không khả quan. Nguyên nhân do tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp được dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, SSI không kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đến từ việc tăng mức phí bảo hiểm, ngoại trừ phân khúc bảo hiểm xe cơ giới. Tăng trưởng của hầu hết các phân khúc bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng hợp đồng khai thác mới của các công ty bảo hiểm. Với việc ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm mới, SSI tin rằng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động “bảo hiểm vi mô”.
Đối với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng có thể sẽ phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. SSI cho rằng đây là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm (đặc biệt là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng tải, tài sản và thiệt hại). Theo đó, SSI dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10 - 12%.
Cùng quan điểm, chuyên gia CTCK VNDirect đánh giá triển vọng ngắn hạn đối với biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm ít hứa hẹn hơn so với triển vọng tăng trưởng doanh thu, bởi vì môi trường cạnh tranh vẫn hết sức gay gắt với mức tăng phí bảo hiểm bị hạn chế trong khi lạm phát gia tăng đang gây áp lực lên chi phí bồi thường. Trong khi đó, tỷ lệ kết hợp của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết được chuyên gia VNDirect kỳ vọng có thể về khoảng 101% trong năm 2023, tương đương với mức trước COVID-19, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ lỗ từ hoạt động kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận