Áp lực bán vẫn chi phối, thị trường chứng khoán tiếp tục đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu
Chứng khoán ngày 10/9, với diễn biến tích cực của Dowjones +484,18 điểm (+1,2%), thị trường mở cửa phiên sáng trong sắc xanh.
Tuy nhiên đà tăng của chỉ số không duy trì được lâu trước áp lực bán chủ động diễn ra và lực cung vẫn chiếm ưu thế trong toàn bộ phiên chiều khiến cho VN-Index kết phiên giảm -12,5 điểm (-0,99%) xuống mốc 1.255,23 điểm.
HNX-Index kết phiên tại mốc 231,69 điểm (-1,77 điểm, tương ứng -0,76%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 240 cổ phiếu giảm giá, 79 cổ phiếu tăng giá, 51 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 94 cổ phiếu giảm giá, 58 cổ phiếu tham chiếu và 44 cổ phiếu tăng giá.
Điểm tích cực là thanh khoản trên cả 2 sàn cải thiện hơn so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +38,6% tại HOSE và +1,5% tại HNX. Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục đà bán ròng với -387,676 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã MSN (-109,1 tỷ), FPT (-104,7 tỷ), VPB (-78,5 tỷ) và HPG (-64,3 tỷ)...ở chiều ngược lại, mua ròng VHM (+76,8 tỷ), VNM (+67,8 tỷ)...
Trái ngược với sàn HOSE, mua ròng từ khối ngoại diễn ra trên sàn HNX với +7,465 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (+20,9 tỷ), IDC (+12,8 tỷ), PVI (+6,3 tỷ) và SHS (+5,3 tỷ)..., chiều bán ròng nổi bật với MBS (-15,2 tỷ), CEO (-6,6 tỷ), TNG (+5,8 tỷ)...
Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho điểm số của thị trường hôm nay là thực phẩm và đồ uống với các mã như VNM (+0,13%), PAN (+2,67%), LTG (+4,67%), NAF (+5,11%)...Các cổ phiếu ngành chăn nuôi giao dịch trong sắc xanh với DBC (+2,25%), BAF (+4,67%), HAG (+2,4%)... Nhóm ngành thủy sản cũng giao dịch trong sắc xanh với VHC (+0,57%), ANV (+1,43%), IDI (+0,53%)...
Ghi nhận trong phiên hôm nay, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã phân hóa điểm số như ngành y tế với sắc xanh của DBT (+0,4%), VMD (+0,82%), DCL (+0,39%) và sắc đỏ của TNH (-1,69%), IMP (-3,33%), DVM (-1,98%), DVN (-1,61%)... Cùng với sự kiện ra mắt Iphone 16, nhóm ngành bán lẻ cũng có sự phân hóa khi giao dịch tích cực với MWG (+0,44%) tuy nhiên giảm điểm có DGW (-0,16%), FRT (-0,55%), PET (-0,36%)...
Bên cạnh đó, đa số cổ phiếu ngành thép có một phiên giao dịch điều chỉnh, cụ thể là HSG (-1,72%), NKG (-1,64%), HPG (-1,76%), VGS (-1,39%)... Nhóm ngành bảo hiểm tiếp tục kém tích cực với BVH (-1,59%), PVI (-2,38%), MIG (-3,44%), BIC (-4,55%)...
Cổ phiếu các công ty chứng khoán giảm điểm với SSI (-1,52%), VIX (-2,58%), VCI (-1,45%), FTS (-2,77%), MBS (-1,87%)... Nhóm ngành bất động sản dân cư kém khởi sắc với PDR (-3,69%), DXG (-4,21%), NVL (-3,79%), KDH (-0,8%)... tương tự nhóm cổ phiếu Vingroup bao gồm VIC (-1,6%), VHM (-0,47%), VRE (-4,48%)...
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Khả năng thị trường sẽ tích lũy đi lên
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Điểm tích cực trong phiên hôm nay là VN-Index giữ vững được ngưỡng hỗ trợ 1.253-1.255 điểm sau khi đã được test trong phiên. Áp lực bán có chiều hướng giảm bớt khi VN-Index chạm tới ngưỡng hỗ trợ trên, vì vậy khả năng cao đây là một ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Xem xét khối lượng hôm nay, dù tương đương với mức trung bình 20 phiên, song so với 2 phiên tạo khoảng GAP tăng điểm trước đó (16-19/8/2024) thì vẫn thấp hơn rất nhiều.
Chúng tôi đã khuyến nghị quan điểm nắm giữ danh mục trong các phiên trước và căn mua thêm khi VN-Index test ngưỡng hỗ trợ 1.253-1.255 điểm. Việc mua vào tại ngưỡng hỗ trợ này trong phiên hôm nay chưa mang lại kết quả, nhưng cũng là một vị thế cần hành động sau khoảng thời gian chờ đợi hơn 2 tuần.
Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi kỳ vọng áp lực bán sẽ giảm bớt trong các phiên tới và khả năng thị trường sẽ tích lũy đi lên. Ngưỡng mua thêm đối với những tài khoản chưa kịp giải ngân hôm nay có thể căn thị trường chỉnh về mốc 1.250 điểm trong phiên tới
Nắm giữ các cổ phiếu duy trì được xu hướng tích cực
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Thị trường sụt giảm khá mạnh trong những phiên gần đây chủ yếu do thiếu động lực từ lực cầu và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, không nên vội vàng bán ra mà nên chờ đợi những nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.
Ưu tiên trước mắt vẫn sẽ là nắm giữ các cổ phiếu duy trì được xu hướng vận động tích cực với tỷ lệ khoảng 50% danh mục và đưa tỷ trọng đòn bẩy về mức an toàn. Với diễn biến hiện tại, khu vực 1.250 điểm sẽ là hỗ trợ gần nhất và có thể sẽ sớm có nhịp phục hồi tại vùng điểm số này.
VN-Index tiếp cận vùng hỗ trợ 1.250 điểm
Chứng khoán Đông Á (DAS)
VN-Index đã trải qua nhịp điều chỉnh với sự sụt giảm 30 điểm qua 11 phiên giao dịch, nhiều nhóm cổ phiếu đã có mức chiết khấu về vùng giá hợp lý cho kế hoạch đầu tư trung dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp cận vùng hỗ trợ 1.250 điểm trước khi phục hồi với thanh khoản thấp.
Đối với nhà đầu tư trung dài hạn, tiếp tục nắm giữ danh mục và theo dõi chờ giải ngân trên các nhóm cổ phiếu bán lẻ và khu công nghiệp. Giao dịch ngắn hạn quan tâm cơ hội phục hồi của các cổ phiếu đã có mức chiết khấu hợp lý từ nhóm bất động sản, hàng tiêu dùng, tiện ích.
Giai đoạn phù hợp cho những nhà đầu tư dài hạn tham gia
Chứng khoán DSC
VN-Index gãy mốc MA20 ngày, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá nặng nề trong phiên hôm nay dù diễn biến từ thị trường chứng khoán Mỹ là khá tích cực. Người cầm tiền tiếp tục mặc cả giá thấp hơn trong khi người cầm cổ phiếu đang càng lúc càng mất kiên nhẫn. Người mua và người bán gặp nhau nhiều hơn mức trung bình khi đang có nhiều người đang sẵn sàng muốn bán.
Bất động sản là nhóm bị bán mạnh nhất hôm nay và điều này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của những người cầm cổ phiếu ở các nhóm khác vì lo sợ giảm theo nhóm dẫn dắt. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng gần 400 tỷ đồng, việc khối ngoại tiếp tục gây sức ép trên nền thanh khoản thấp như hiện tại là tín hiệu không tốt.
Bối cảnh chung về vĩ mô vẫn vậy, chỉ có tâm lý của nhà đầu tư là thay đổi theo từng phiên. Đây là giai đoạn rất phù hợp cho những nhà đầu tư dài hạn tham gia với nền tảng hỗ trợ từ vĩ mô tích cực.
Trở về quanh ngưỡng 1.230 điểm
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index đã giảm xuống vùng hỗ trợ 1.250 – 1.255. Trong những phiên tới, nếu chỉ số tiếp tục giảm xuống dưới vùng này thì khả năng sẽ trở về quanh ngưỡng 1.230.
Đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu hơn
Chứng khoán Asean
Chỉ số phá vỡ mốc hỗ trợ động MA20 và quay trở lại lấp khoảng trống gap tại vùng 1.250 điểm. Tuy nhiên, dù khoảng trống tâm lý đã được phủ lấp nhưng lực cầu tham gia vẫn tiếp tục tỏ ra “hờ hững” khiến việc dù có diễn biến phục hồi về cuối phiên nhưng không đủ thuyết phục.
Áp lực bán vẫn chi phối và thị trường tiếp tục đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu hơn nếu không có sự cải thiện rõ rệt về dòng tiền. Nhà đầu tư tiếp tục giữ tỷ trọng trung bình, tập trung vào nhóm cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh dài hạn và chờ đợi tín hiệu xác nhận từ xu hướng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận