Xu thế chứng khoán ngày 28/3: Chỉ mở vị thế mua khi thị trường có rung lắc
VN-Index trong phiên ngày 27/3 duy trì giao dịch khá tích cực khi mở đầu phiên tăng điểm, rung lắc khá mạnh trong phiên kiểm tra lại vùng 1.278 điểm giá cao nhất 2 tuần trước. Kết phiên VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,07%) lên mức 1.283,09 điểm và đang tiệm cận vùng giá 1.285 điểm - 1.295 điểm tương ứng giá cao nhất tháng 8-9/2022.
HNX-Index tăng tốt hơn 0,82 điểm (+0,34%) lên mức 242,85 điểm. Độ rộng thị trường vẫn tích cực với nhiều mã tăng giá tốt, vượt vùng giá đỉnh gần nhất khi có 290 mã tăng giá (17 mã tăng trần), 186 mã giảm giá (1 mã giảm sàn) và 130 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh đạt 25.811,65 tỷ đồng, tăng 9,36% so với phiên trước, mức trung bình một phần do giao dịch thỏa thuận tăng. Trong khi khối lượng giao dịch của VN-Index vẫn giảm 6,43% so với phiên trước, dưới ảnh hưởng không kết nối của thành viên VNDirect.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh giao dịch trong phiên hôm nay, tiếp tục bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 1.879,38 tỷ đồng, bán ròng trên HNX với giá trị 3,99 tỷ đồng.
Mặc dù diễn biến giao dịch của thị trường đang chậm lại với thanh khoản trong xu hướng giảm. Tuy nhiên thị trường vẫn có nhiều mã, nhóm mã có diễn biến vượt trội so với thị trường chung, thanh khoản vẫn gia tăng tốt như các cổ phiếu cảng, vận tải biển trong phiên hôm nay, nổi bật như VSC (+6,80%), DXP (+5,84%), VOS (+3,78%), SGP (+2,49%)... Các cổ phiếu bán lẻ cũng có diễn biến giao dịch rất tích cực, hầu hết tăng giá, thanh khoản gia tăng mạnh với MWG (+4,21%), MSN (+1,89%), PET (+1,58%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến tích cực với đa số tăng giá tốt, thu hút lực cầu giá lên với thanh khoản gia tăng trong bối cảnh thanh khoản thị trường chung giảm như VRC (+6,96%), QCG (+6,87%), VPH (+3,41%), NHA (+3,00%), DIG (+2,50%), DXG (+2,27%)... ngoài các mã điều chỉnh nhẹ SJS (-1,08%), KOS (-1,06%), CSC (-0,96%)...
Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su sau phiên phục hồi tăng giá tốt, đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản suy giảm với SIP (+-1,66%), KBC (-1,52%), GVR (-1,47%), TIP (-1,29%)...
Các cổ phiếu ngân hàng sau phiên phục hồi trước với thanh khoản suy giảm, đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trở lại, thanh khoản dưới mức trung bình như SGB (-2,04%), ABB (-1,23%), BID (-0,94%), TCB (-0,87%)... ngoài OCB (+1,35%), NAB (+0,92%), CTG (+0,85%)... Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến khá tương tự ngoài HCM (+2,47%), SSI (+1,32%).
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Chỉ mở vị thế mua khi thị trường có rung lắc
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Tín hiệu tích cực vẫn được duy trì sau hai phiên tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên việc thanh khoản có phiên sụt giảm thứ hai so với mốc trung bình 20 phiên (đã ước lượng nếu hệ thống chứng khoán VNDirect được giải quyết) đang cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn khá thận trọng.
Mặc dù vậy, CSI tiếp tục bảo lưu quan điểm VN-Index sẽ tiến tới kháng cự 1.317-1.325 điểm trong các tuần tới và vẫn ưu tiên vị thế mua. Tuy nhiên, chỉ mở vị thế mua khi thị trường có rung lắc như trong hai phiên gần đây.
Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến rút chân với hiệu ứng tích cực tập trung phần lớn ở nhóm cổ phiếu midcap và smallcap, giúp tránh được một phiên điều chỉnh sâu.
Mặc dù vậy, phản ứng của phe mua không quá thuyết phục khi đi kèm lượng thanh khoản suy giảm và áp lực từ phe bán vẫn tương đối quyết liệt quanh các vùng đỉnh ngắn hạn.
Do đó, nhiều khả năng VN-Index tiếp tục vận động rung lắc giằng co trong vùng 1.300 (+/-10) điểm và rủi ro đảo chiều xu hướng vẫn nên được lưu ý nếu chỉ số xuất hiện những phiên bulltrap mạnh hoặc tăng vượt đỉnh nhưng không đi kèm khối lượng giao dịch tăng tương xứng.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.
Đưa ra các mốc thực hiện hóa lợi nhuận nếu đạt tỷ suất sinh lời lớn hơn 10-15%
Chứng khoán Asean
Sau nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên, lực cung không quá lớn cộng với việc nhóm ngành khác ngân hàng, chứng khoán tăng điểm lan tỏa tâm lý tích cực đến toàn thị trường, càng về cuối phiên phe bán càng tỏ ra yếu thế.
Tâm lý thị trường dần ổn định sau 3 phiên, thanh khoản phiên chiều tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Tuy vậy, chúng tôi bảo lưu rủi ro tiềm ẩn từ việc VN-Index đang tăng điểm mà thiếu đi sự tích lũy. Do đó, khuyến nghị nhà đầu tư dừng mua và lưu ý đưa ra các mốc thực hiện hóa lợi nhuận nếu vị thế đạt tỷ suất sinh lời lớn hơn 10-15%.
Tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp
Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ quay trở lại mức 1,291 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên xu hướng ngắn hạn có thể sẽ rõ ràng hơn.
Điểm tiêu cực hiện nay là thanh khoản đang suy yếu cho thấy nhà đầu tư thận trọng trở lại, nhưng dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới ở nhịp điều chỉnh.
Gặp khó khăn quanh vùng điểm 1.290 - 1.300
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index ghi nhận phiên điều chỉnh giảm điểm nhẹ với thanh khoản thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo CMF hướng xuống cùng với việc RSI liên tục hình thành các đỉnh nhỏ cho thấy dòng tiền mua chủ động chưa đủ thuyết phục để giúp cho VN-Index vượt lên trên khu vực kháng cự trung hạn 1290. Bên cạnh đó, chỉ đường ADX vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm cho thấy trong ngắn hạn thị trường sẽ gặp khó khăn quanh vùng điểm 1.290 - 1.300.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD và RSI đang suy yếu dần và xác suất MACD hình thành phân kỳ âm vẫn đang bỏ ngỏ và cần được tính đến khi áp lực bán liên tục xuất hiện mỗi khi VN-Index tiếp cận khu vực 1290.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời từng một phần đối với những cổ phiếu đang có dấu hiệu suy yếu và đã có nhịp tăng điểm tốt trong thời gian vừa qua, chỉ duy trì tỷ trọng đối với những cổ phiếu đã có mức chiết khấu tốt sau nhịp điều chỉnh và có tín hiệu thu hút dòng tiền thuộc các nhóm ngành như bán lẻ, xây dựng.
VN-Index vẫn đang trong nhịp tăng trung hạn nhưng xác suất rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn với biên độ 10 - 20 điểm vẫn cần được tính đến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận