Vua tôm", "nữ hoàng cá tra" và các doanh nghiệp thủy sản đang làm ăn ra sao?
Thị trường xuất khẩu khó khăn kéo theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản ảm đạm hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản đi lùi
Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến số lượng và giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm cũng giảm theo.
Theo đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 810 triệu USD. Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản giảm hơn 31% so với cùng kỳ, đạt trên 2,6 tỷ USD.
VASEP cho biết, thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào thực trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm, khiến xuất khẩu thủy sản của Viêt Nam sang thị trường này giảm 51% trong tháng 4. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Với thị trường Trung Quốc, mặc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán, nên xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc cũng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm 37% so với cùng kỳ, đạt 435 triệu USD.
Tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc tuy đều có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với các thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Về mặt hàng, xuất khẩu tôm bị tác động mạnh do sự sụt giảm mạnh ở thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu tôm giảm 44% so với cùng kỳ, đạt trên 891 triệu USD. Xuất khẩu cá tra giảm sâu hơn, với 46%, chỉ đạt giá trị 598 triệu USD.
Theo VASEP, hiện tôm của Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ. Thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ và giá rẻ. Hiện 2 đối thủ này đang chiếm thị phần chi phối hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc.
Không chỉ tôm, các mặt hàng thủy sản khác như các loại cá biển, bạch tuộc, mực…của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu cũng như các thương gia thủy sản từ các nước.
Nhận định về xu hướng thị trường nửa đầu năm 2023, đại diện VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý II/2023. Mặt hàng tôm sẽ hồi phục chậm hơn do phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau COVID-19.
Doanh nghiệp đầu ngành gặp khó
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang đối diện với nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh quý đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản tất yếu không mấy sáng sủa; thậm chí, có doanh nghiệp thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
"Vua tôm" Minh Phú bất ngờ lỗ gần 100 tỷ đồng trong quý I/2023.
Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UpCOM: MPC), mặc dù được mệnh danh là “vua tôm” của Việt Nam, nhưng doanh thu trong quý I/2023 giảm 50% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 2.123 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 97 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 90 tỷ đồng. Đây cũng là quý kinh doanh ảm đạm nhất của “vua tôm” Minh Phú kể từ năm 2016.
Giải trình kết quả kinh doanh trên, lãnh đạo MPC cho biết, ngoài việc ảnh hưởng từ doanh thu bán hàng sụt giảm, kết quả kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
May mắn không lỗ như MPC, nhưng Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cũng ghi nhận doanh thu quý I/2023 sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn hơn 1.008 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 43,7 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 4/2023, sản lượng tôm thành phẩm của FMC đạt 1,423 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ. Tiêu thụ tôm thành phẩm cũng giảm 24%, xuống còn 1,147 tấn. Điều này đồng nghĩa với doanh thu tháng 4 của FMC cũng giảm 26% so với cùng kỳ, xuống còn 14 triệu USD.
Một doanh nghiệp khác trong ngành thủy sản là Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 giảm 5% so với cùng kỳ, xuống còn 1.155 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng “đi lùi” 55% so với cùng kỳ, xuống còn gần 92,4 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân sụt giảm là do giá bán và sản lượng của doanh nghiệp đều giảm. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng, khiến giá vốn bán hàng của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp của ANV giảm 43% so với cùng kỳ.
Với Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), một doanh nghiệp lớn khác trong nhành thủy sản, kết quả kinh doanh cũng “đi lùi” trong quý đầu năm. Cụ thể, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.238 tỷ đồng, giảm gần 31,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng giảm hơn 60% so với cùng kỳ, xuống còn gần 219 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng nguyên nhân sụt giảm là do sản lượng bán và giá bán đều giảm.
Chứng khoán SSI cũng cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành thủy sản vào năm 2023, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022. Chúng tôi vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023”, chuyên gia của SSI nhận định về triển vọng ngành thủy sản năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường