Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản, Vietjet xoay xở vượt khó: Bộ GTVT bỏ rơi không đề xuất giảm thuế phí
Bộ Tài chính 'tố' chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Bộ GTVT về việc đề nghị giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ cho ngành hàng không, trong khi Vietnam Airlines đứng bên bờ vực phá sản, Vietjet xoay xở các kiểu để gồng mình chống chọi với dịch Covid-19.
Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản
Nghiêm trọng hơn, với các đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2021, đã làm cho khả năng thanh toán của Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, số lỗ của quý I/2021 của Vietnam Airlines sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Đáng lo ngại, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines còn đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng…
Tương tự, các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways và Vietjet, trong năm 2020 đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước.
Vietjet xoay xở vượt khó thời Covid-19
Câu hỏi đặt ra là Vietjet đã làm gì để vượt qua đại dịch với thiệt hại thấp nhất có thể để duy trì hoạt động? trao đổi với PV Dân Việt, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết: "Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Vietjet đã đưa ra các kịch bản ứng phó nhằm làm giảm thua lỗ. Thứ nhất, cắt giảm chi phí lên đến 55% trong thời gian qua.
Điển hình là giãn, hoãn nợ, giảm lãi với các đối tác là ngân hàng, đơn vị cho thuê máy bay; giảm lương từ 50-70% của lãnh đạo quản lý nhưng không giảm lương của lao động có mức lương không cao để bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động có mức thu nhập thấp.
Tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2020, ngành hàng không đã chứng kiến giá xăng thế giới chạm đáy ở mức 25 USD/ thùng. Nắm bắt được thời cơ này, Vietjet đã mua trữ trên 100.000 tấn vào thời điểm đó, giúp hỗ trợ giảm chi phí. Nhiên liệu chiếm tới hơn 50% tổng số chi phí, do vậy việc dự trữ này có ý nghĩa rất lớn với Vietjet.
Đáng chú ý, Vietjet đã thay đổi chiến lược kinh doanh bằng việc vận chuyển hàng hoá và là hãng đầu tiên được cấp phép chở hàng hóa trên khoang khách trong dịch Covid 19.
Thứ hai là Vietjet đã phải chuyển nhượng các dự án đầu tư tài chính đã tích lũy trong nhiều năm qua để bù đắp dòng tiền thiếu hụt, tập trung nguồn vốn cho vận tải hàng không.
Trong khi đó, Bamboo Airways cho biết, trong năm 2020, để duy trì ổn định hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bamboo Airways đã triển khai đồng bộ giải pháp nỗ lực vượt khó.
Về mặt tài chính, hãng chủ động huy động vốn để tăng cường năng lực, bao gồm huy động vốn từ các cổ đông lớn, trong đó có công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh các điều khoản tài chính cho phù hợp.
Với mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ, Bamboo Airways tích cực làm việc, thỏa thuận để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp, đảm bảo sức khỏe tài chính cho hãng.
Đặc biệt, Bamboo Airways tận dụng dịch Covid-19 để kịp thời tái hoạch định, tiếp tục củng cố mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến tiềm năng, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của FLC.
Bộ GTVT không kiến nghị giảm thuế phí hỗ trợ ngành hàng không
Đáng chú ý, các hãng hàng không Việt Nam đang đứng trước bờ vực phá sản, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GTVT lại đang có dấu hiệu thờ ơ, trong việc phê duyệt phương án cứu trợ đối với nhóm "kiến nghị giảm khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không".
Theo tìm của PV Dân Việt, để tìm các giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua đại dịch Covid-19, Hiệp hội hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài Chính và Bộ GTVT có những chính sách giảm thuế phí cho các hãng hàng không.
Đối với nhóm khiến nghị về giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mức giá, khung giá các dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Tuy nhiên, thật bất ngờ khi phúc đáp lại Hiệp hội hàng không Việt Nam, Bộ Tài Chính "tố" không nhận được đề xuất của Bộ GTVT về việc giảm thuế phí, hỗ trợ ngành hàng không.
Bộ Tài Chính cho biết, năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT -BGTVT ngày 1/9/2020 điều chỉnh hỗ trợ giảm giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không từ ngày 1/3/2020 đến 30/9/2020".
"Từ đó đến nay, ngành hàng không tiếp tục xảy ra 2 đợt dịch Covid - 19 bùng phát khác nhưng đến ngày 4/5/2021, Bộ Tài Chính chưa nhận được văn bản đề xuất nào của Bộ GTVT đối với các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không liên quan đến hỗ trợ về "giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…". Vì thế, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để xem xét, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ", văn bản Bộ Tài chính nêu rõ.
Về một số lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, "đối với kiến nghị tiếp tục giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp hàng không, Bộ Tài chính cho biết: "Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập các nhân và tiền thuê đất".
"Trong đó, quy định đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành vận tải hàng không được gia hạn nộp thuế và tiên thuê đất trong năm 2021".
Liên quan đến việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay, tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020, Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid -19 có quy định giảm 10% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đến ngày 30/6/2021.
Về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, Bộ Tài chính đã báo các Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1048/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 để tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (từ 3.000 lít xuống còn 2.100 lít) từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021.
Về việc bổ sung những tàu bay phục vụ đào tạo hàng không vào danh sách các sản phẩm được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, "thực tế, có phát sinh trường hợp DN rtong lĩnh vực hàng không nhập máy bay để phục vụ đào tạo phi công; loại máy bay huấn luyện này không sử dụng cho mục đích dân dụng, hàng hoá, dịch vụ xa xỉ nhưng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị này để nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận