Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank hưởng lợi từ Thông tư 22
Các ngân hàng đang tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, công nhân, có lợi thế trong BĐS khu công nghiệp và cho vay nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng lợi từ Thông tư 22.
Thông tư số 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng và/hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào 29/12/ 2023.
Theo quy định mới tại Thông tư, hệ số rủi ro tín dụng 160% đối với tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (so với 200% đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản nói chung theo Thông tư 41/2016).
Với nội dung này, hệ số rủi ro sẽ giảm từ 200% xuống 160% đối với các dự án bất động sản khu công nghiệp, nhưng các dự án bất động sản khác vẫn bị áp hệ số rủi ro là 200% như quy định cũ.
Thông tư 22 cũng quy định hệ số rủi ro tín dụng ro áp dụng cho khoản cho vay thế chấp mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ: 20%-50% (so với hệ số rủi ro tín dụng đối với khoản vay thế chấp thông thường là 25%-100%).
Ngoài ra, Thông tư mới quy định ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng hệ số rủi ro 0% đối với các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi tại bên được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Đồng thời quy định hệ số rủi ro tín dụng là 50% đối với khoản phải đòi là khoản cho vay cá nhân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Thông tư 22 còn bổ sung các tổ chức tài chính quốc tế vào danh sách bên thứ ba bảo lãnh hợp pháp để giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Theo nguyên lý quy định hệ số rủi ro cao thì các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn, vì vậy, khi hệ số rủi ro với một số khoản vay giảm xuống thì số tiền đáng ra phải trích lập dự phòng như quy định trước đây có thể dùng để cho vay thêm. Qua đó, tăng được khả năng cung ứng tín dụng của ngân hàng cho nền kinh tế cũng như tác động tích cực đến lợi nhuận ngân hàng. Thông tư 22 được đánh giá là có tác động tích cực đến hoạt động của các ngân hàng có thế mạnh trong cho vay phân khúc nhà ở xã hội, đặc biệt là nhóm ngân hàng đang tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và công nhân. Ngoài ra là các ngân hàng mạnh tay trong cho vay BĐS khu công nghiệp và cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Các lĩnh vực này theo đó đều "rơi" vào lợi thế với các chương trình mà nhóm Big 4 như Vietcombank, VietinBank, BIDV đang tham gia triển khai.
Đây cũng là các ngân hàng được CTCK MB (MBS) gọi tên là nhóm hưởng lợi từ Thông tư 22/2023. Theo đó MBS cho rằng đây là một biện pháp giúp hỗ trợ đà tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này, trong bối cảnh NIM có xu hướng giảm khá mạnh.
Thông tư 22 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Trước đó, như được biết ngay từ đầu 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó và các chính sách đã liên tục được ban hành, gỡ vướng, hỗ trợ, các chuyên gia đã kiến nghị vấn đề hệ số rủi ro là một trong những "nút thắt" khiến mặc dù NHNN không chủ trương siết tín dụng vào bất động sản song các TCTD cũng gặp rào cản trong rộng mở tín dụng với nhiều phân khúc.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế, Kinh tế trưởng của BIDV đã đề xuất, việc kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản là rất cần thiết. Bộ Xây dựng cần là đầu mối để phân khúc bất động sản theo các phân khúc khác nhau như nhà ở xã hội, nghỉ dưỡng,… TS Cấn Văn Lực cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm phân loại, phân khúc bất động sản theo 5 phân nhóm khác nhau để NHNN, Bộ Tài chính có cơ sở để áp dụng hệ số rủi ro.
Liên quan đến việc áp dụng hệ số rủi ro, lãnh đạo các ngân hàng như Techcombank, VPBank cũng từng kiến nghị trong các cuộc họp với NHNN. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank từng chia sẻ, nếu coi bất động sản là một ngành quan trọng thì đừng coi nó là ngành không tốt. Do đó, việc áp dụng hệ số rủi ro tới 200% do lĩnh vực này đang chiếm tỷ trọng tín dụng cao nên được xem xét sửa đổi, nếu giảm xuống sẽ là giải pháp thiết thực để thúc đẩy thị trường.
Theo các chuyên gia, việc quy định hệ số quy đổi rủi ro cho các phân khúc tín dụng khác nhau là một thông lệ quốc tế theo tiêu chuẩn Basel II. Do đó, NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro cho từng phân khúc lúc này là phù hợp, đặc biệt phù hợp với chính sách giao hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng chủ động trong thúc đẩy giải ngân, nhằm hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, như kiến nghị của TS. Cấn Văn Lực, trong trường hợp chưa kịp có có bộ tiêu chí phân loại nhóm phân khúc bất động sản để áp hệ số, các TCTD sẽ mất nhiều thời hơn để xây dựng bộ tiêu chí tiếp cận, tiếp nhận và áp dụng hệ số rủi ro khi Thông tư có hiệu lực trong nửa năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận