Vì sao cả thế giới đổ xô tích trữ vàng?
Năm nay, căng thẳng địa chính trị đi kèm việc các ngân hàng trung ương quốc gia bổ sung lượng vàng khổng lồ khiến thị trường vàng tiếp tục "nóng hổi".
Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) chỉ ra nhu cầu trữ vàng của người dân đạt mức kỷ lục vào năm 2023 khi căng thẳng địa chính trị dai dẳng thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
Tổng giao dịch vàng ở mức 4.899 tấn vào năm ngoái, trong khi chỉ có 4.741 tấn vào năm 2022. Các giao dịch thông qua quầy bán cũng như dòng chảy chứng khoán phản ánh sự thay đổi về lượng vàng được điều phối trong năm qua.
Ông Shaokai Fan - Giám đốc nghiên cứu các Ngân hàng Trung ương tại WGC - cho biết yếu tố khiến giá vàng tăng cao vào năm 2023 nằm ở cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas cũng như sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.
“2023 là năm cao thứ hai trong lịch sử mua vàng của ngân hàng trung ương Mỹ, gần bằng mức cao kỷ lục vào năm 2022”, ông Shaokai Fan nhận định.
Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.100 USD/ounce vào tháng 12/2023 khi các ngân hàng trung ương cũng như các nhà đầu tư bán lẻ tăng cường mua vào.
Báo cáo cũng cho thấy ngân hàng nhà nước Trung Quốc là đơn vị mua vàng lớn nhất với 225 tấn vào năm ngoái, nâng lượng dự trữ lên 2.235 tấn. Shaokai Fan đánh giá rằng khi thấy ngân hàng nhà nước có xu hướng trữ vàng, người dân cũng coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư hướng tới vàng.
“Người dân Trung Quốc lo lắng về tương lai của các loại tài sản khác và họ đang chuyển sang vàng như một cách để bảo vệ. Vàng thực sự có lãi rất tốt ở quốc gia này” - ông Shaokai Fan nói.
Ngoài ra, dữ liệu từ WGC cho thấy Trung Quốc đã soán ngôi Ấn Độ trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới vào năm 2023. Người dân nước này mua 603 tấn vàng trang sức trong năm ngoái, tăng 10% so với năm trước. Điều này đến từ việc các đám cưới được tổ chức liên tục sau khi trì hoãn do đại dịch.
Theo WGC, việc mua vàng trong năm nay khó có thể đạt được mức của năm 2023. Nếu lạm phát giảm, người tiêu dùng có thể bắt đầu cảm thấy giàu có hơn, làm giảm nhu cầu mua vàng.
Hiện nay, Cục dự trữ Liên bang Mỹ có mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị leo thang trong năm bầu cử quan trọng đối với nhiều nền kinh tế lớn cùng với việc các ngân hàng nhà nước tiếp tục mua vào khiến thị trường vàng vẫn sôi động.
Nhiều nhà phân tích của WGC đánh giá rằng khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ là không chắc chắn khi suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa được giải quyết. Bối cảnh này khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ các tài sản phòng ngừa rủi ro hiệu quả như vàng.
Theo CNBC
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận