Trước sức ‘nóng’ của các kênh đầu tư, dòng tiền sẽ đổ vào đâu?
Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh, tỷ giá ‘nóng’ lên sau một thời gian ngừng tăng thêm, trong khi làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu xuất hiện... Vậy, dòng tiền đầu tư sẽ đổ mạnh vào kênh nào trong thời gian tới?
Giới phân tích cho rằng lãi suất tiền gửi ở Việt Nam vốn đã giảm kể từ đầu năm 2023 sẽ tăng trở lại khoảng 50-100 điểm cơ bản vào cuối năm nay, và mức tăng này dường như sẽ không gây tác động lớn đến các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản...
Vàng tăng phi mã, tỷ giá “nổi sóng”, lãi suất tiền gửi tăng nhẹ
Trong những ngày gần đây, giá vàng SJC liên tục xác lập kỷ lục mới. Cụ thể, trong ngày 10/5, vàng miếng SJC đã chứng kiến mức tăng phi mã 3 triệu đồng, vọt lên 92,4 triệu/lượng.
Hai tuần qua, giá vàng miếng SJC trong xu hướng tăng và nới rộng khoảng cách với thế giới bất chấp giá vàng thế giới ít biến động và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp bằng đấu thầu vàng. Hiện, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến hơn 19 triệu đồng/lượng.
Lãi suất tiền gửi quá thấp đã khiến một phần dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán.
Giới phân tích cho rằng vàng vẫn còn sức hút lớn. Để giảm sức hút này còn phụ thuộc diễn biến giá thế giới, nhưng quan trọng là phải đảm bảo giá trị của đồng tiền Việt Nam (VND), củng cố niềm tin của người dân với đồng nội tệ...
Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND trong 4 phiên giao dịch liên tiếp từ ngày 7 -10/5 đều tăng, tỷ giá trung tâm ở mức 24.271 VND/USD.
Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 25.120 – 25.225 VND/USD, còn giá bán ra chạm ngưỡng 25.484 VND/USD. Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 25.670 - 25.750 VND/USD.
Như vậy, tỷ giá ngân hàng đã vượt mức giá bán USD can thiệp của NHNN là 25.450 VND/USD.
Trong khi vàng liên tục phá đỉnh, tỷ giá bắt đầu “nổi sóng”, cùng với đó chứng khoán, bất động sản cũng nhúc nhích phục hồi, thì làn sóng tăng lãi suất huy động cũng xuất hiện.
Trong tuần đầu tháng 5/2024, có 3 ngân hàng thương mại thông báo tăng lãi suất huy động. Trước đó, trong tháng 4/2024, có khoảng 20 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, lãi suất huy động thời gian tới khó có thể giảm thêm. “Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm”, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank nhận định: “Lãi suất huy động chỉ giảm được ở mức độ nào đó, nếu giảm quá thì khách hàng không gửi tiền. Hiện nay, lãi suất đã ở đáy”.
Dòng tiền đi đâu?
Theo các chuyên gia, lãi suất tiền gửi quá thấp đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục tăng cao, còn giá vàng thì tăng trên 20%. Một số phân khúc bất động sản phục hồi cũng đang hấp thụ một lượng vốn không nhỏ.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhưng mức tăng chưa đủ hấp dẫn dòng tiền. Ông Hiếu đánh giá bất động sản, chứng khoán hiện vẫn là kênh đầu tư rủi ro.
Chia sẻ thêm về dòng tiền sẽ đổ vào đâu, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao về sức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng. Mặc dù khuyến nghị về rủi ro của kênh đầu tư này, song ông Hiếu vẫn cho rằng, do tâm lý của người dân Việt chuộng vàng, trong khi giá vàng tăng mạnh khiến đây vẫn là nơi hút tiền tốt.
Thực tế, trong phiên giao dịch ngày 10/5, khi giá vàng tăng vọt lên mức 92,4 triệu đồng/lượng (bán ra) tình trạng khan vàng lại xuất hiện khi nhiều người đổ xô đi mua vàng vì hy vọng giá vàng có thể tăng lên mức 100 triệu đồng/lượng. Các cửa hàng vàng lớn cho biết không đủ vàng miếng để bán.
Theo TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, dòng tiền đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Trong đó, riêng đối với vàng trong quý I, giá đã tăng 23%, do đó chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đã lãi 23%. Cùng với đó, tiền vào chứng khoán cũng tăng cao, dòng tiền trong nước "cân" toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể với hàng loạt yếu tố tích cực.
Riêng với kênh tiền gửi, các chuyên gia phân tích của Wigroup nhận định: “Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước, nhưng mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy, thanh khoản tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào. Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm”.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích, so với tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang quá thấp, nhiều kỳ hạn hiện nay đang thực âm, sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác.
Với góc nhìn lạc quan hơn, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho biết hiện có 2 dòng tiền gồm dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và dòng tiền đầu tư (chủ yếu đầu tư bất động sản và chứng khoán). Tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm nhưng đã phục hồi vào tháng 3 và 4 cho thấy dòng tiền từ ngân hàng đã chảy vào doanh nghiệp, đầu tiên là xuất khẩu, sau đó đến tiêu dùng và vào khu vực người dân khi họ tăng việc làm, tăng thu nhập và tăng tiêu dùng. Do đó, ông Hiển dự đoán dòng tiền sản xuất, tiêu dùng sẽ mạnh lên rõ rệt vào quý III.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận