Trung Quốc đối mặt với hạn hán kỉ lục: Cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam?
Trung Quốc đã phát đi cảnh báo hạn hán đầu tiên sau 9 năm và hạn chế việc sử dụng điện sản xuất ở một số địa phương.
Hiện nay, các đợt nắng nóng kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực ở miền Nam Trung Quốc khi nhiệt độ nhiều nơi rơi vào khoảng từ 35 - 39 độ C, thậm chí trên 40 độ C ở các tỉnh Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Chiết Giang và thành phố Trùng Khánh. Đáng chú ý không kém, kể từ đầu tháng 8 đến nay, gần 200 trạm quan sát nhiệt đặt ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam và Thiểm Tây đã ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C ngày thứ 17 liên tiếp. Trong khi đó, hôm 20/8, 65 trạm quan sát nhiệt trên khắp Trung Quốc cũng đã báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia đã nâng mức cảnh báo hạn hán màu vàng lên màu da cam, mức độ nghiêm trọng thứ hai trong hệ thống cảnh báo thời tiết bốn cấp, được mã hóa bằng màu sắc của Trung Quốc.
Ông Trần Đào, chuyên gia của Đài khí tượng Trung ương Trung Quốc cho biết: “Căn cứ tình trạng hạn hán nghiêm trọng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng sẽ tiếp tục với lượng mưa ít hơn ở các khu vực phía Nam, Đài Khí tượng Quốc gia đã nâng cấp cảnh báo hạn hán”.
Liệu có cơ hội cho ngành nông nghiệp của Việt Nam?
Trung Quốc đang trải qua mùa hè nóng nhất và khô hạn nhất trong 61 năm thống kê thời tiết. Hạn hán kỷ lục đe dọa mùa màng, khiến mực nước trong các hồ chứa chỉ bằng một nửa so với bình thường. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 20/8 cũng thông báo, sẽ triển khai phương án tăng lượng mưa bằng cách rải chất hóa học vào các đám mây, đồng thời, triển khai phun "hóa chất giữ nước" trên đồng lúa để hạn chế bốc hơi nhằm ngăn hậu quả của hạn hán kéo dài với vụ mùa.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang được kì vọng có thể sẽ xuất khẩu sang “hàng xóm” Trung Quốc các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ người dân nơi đây. Các công ty như CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR); CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) hay những công ty về phân bón, hóa chất như CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM); CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) có thể sẽ có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Nguồn: VOV
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận