menu
Trái chiều kết quả kinh doanh quý I của nhóm doanh nghiệp dược phẩm
Hoàng Việt Nữ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trái chiều kết quả kinh doanh quý I của nhóm doanh nghiệp dược phẩm

Kết quả kinh doanh của nhóm dược phẩm được SSI Research nhận định có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới.

Nhóm ngành dược thường được xem là các cổ phiếu phòng thủ trên thị trường bởi các doanh nghiệp thường hoạt động kinh doanh ít biến động và mức cổ tức ổn định hàng năm. Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn, trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định cổ phiếu của các công ty dược phẩm/bệnh viện tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn. Đơn vị cho rằng kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới.

Tuy nhiên, kết thúc quý I, các doanh nghiệp ngành dược báo cáo kết quả kinh doanh có phần trái ngược nhau.

Đơn vị ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ là Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (HNX:PMC), ở mức 116,8 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu thành phẩm không biến động nhiều, ở quanh mức 115 tỷ đồng. LNST tăng 6,6% lên 18,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hóa - Dược phẩm Mekophar (UPCoM:MKP) ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất với doanh thu tăng 62,3% đạt 428,5 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 150,4% đạt 22,4 tỷ đồng, chủ yếu là do doanh thu từ bán thành phẩm của công ty sản xuất.

Đứng thứ hai về mức tăng trưởng lợi nhuận là Traphaco (HoSE:TRA) với 60,2%, đạt 88,6 tỷ đồng. Trong kỳ, đơn vị ghi nhận doanh thu thuần tăng 32,3% lên 624 tỷ đồng nhờ đã tận dụng được cơ hội thị trường trong quý I, triển khai được nhiều sản phẩm và kiểm soát tốt chi phí. Tổng Giám đốc Traphaco Trần Túc Mã cho biết trong 3 tháng đầu năm, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và lan rộng, nhu cầu mua thuốc phòng và chống ho tăng cao, đơn vị nhận thấy và đã nhanh chóng cung ứng. Vị CEO đánh giá kết quả khả quan không chỉ ở quý I mà còn cho các quý tiếp theo nhờ việc tái cấu trúc mô hình tổ chức, quy trình làm việc giúp phát huy nguồn lực tốt hơn.

4 doanh nghiệp khác ghi nhận đà tăng ở cả hai chỉ tiêu là Dược Hậu Giang (HoSE:DHG), Dược phẩm Imexpharm (HoSE:IMP), Dược Lâm đồng Ladophar (HNX:LDP), và Dược phẩm OPC (HoSE:OPC). Cụ thể, Dược Hậu Giang đạt doanh thu 1.064,8 tỷ đồng, tăng 4,7%; và lãi sau thuế 255,3 tỷ đồng, tăng 25,2%, chủ yếu do hoạt động bán hàng ngày càng hiệu quả và nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm liên qua đến điều trị Covid-19 như Klamentin, Medlon, Bocalex,…; và việc chưa ghi nhận chi phí một số hoạt động chưa thực hiện trong quý I do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến triển khai ở các quý sau trong năm nay.

Dược phẩm Imexpharm thu về 314,2 tỷ đồng doanh thu và 52,6 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 6% và 25,7% so với cùng kỳ. 3 tháng đầu năm, công ty tiếp tục mở rộng thị trường, kết thúc các chương trình bán hàng, kết hợp với việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra và tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao.

Còn Dược phẩm OPC báo doanh thu tăng 36,4% đạt mức 380,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 9,4% lên 40,3 tỷ đồng. Về Dược Lâm đồng Ladophar, doanh thu quý I tăng 22,7% lên mức 49,6 tỷ đồng, và đơn vị thu về lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng, nhờ vào cải thiện biên lãi gộp do tăng doanh thu bán hàng hóa và bán thành phẩm.

Ngược lại, Dược phẩm Hà Tây (HNX:DHT) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (UPCoM:DVN) báo doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Cụ thể, Dược phẩm Hà Tây thu về 407,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần 10%, còn 19,8 tỷ đồng. Đơn vị lý giải về sự sụt giảm lãi sau thuế là do lợi nhuận khác quý I/2022 giảm hơn 2,2 tỷ đồng so với thực hiện năm ngoái và tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần 3 tháng đầu năm nay giảm sấp sỉ 1% so với cùng kỳ.

Về Tổng Công ty Dược Việt Nam, doanh thu tăng 5,5% lên 1.059,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm còn 44,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, hai nguyên nhân chính là do các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính quý I năm nay thấp hơn cùng kỳ bởi ảnh hưởng từ biến động giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, giảm từ 7,1 tỷ đồng còn 1,9 tỷ đồng.

Riêng Dược phẩm Vimedimex (HoSE:VMD) báo doanh thu và lợi nhuận đều giảm với mức lần lượt là 51,1% và 98%, còn 1.888,9 tỷ đồng và 192 triệu đồng. Đơn vị lý giải, doanh thu thuần quý I năm nay giảm chủ yếu do khoản thu từ việc bán hàng cho công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương giảm 52,4% còn 1.848,5 tỷ đồng và doanh thu bán hàng cho công ty TNHH – Trung tâm phân phối Vimedimex giảm 93% còn 482,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chi phí hoạt động và chi phí tài chính đều giảm, làm cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 91,3% còn 10,6 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm 9,3 tỷ đồng, tương đương mức giảm 98% còn 192 triệu đồng.

screenshot-2022-05-09-080212-1-6435-4133 data-natural-width640

Đơn vị: Tỷ đồng.

Triển vọng tăng trưởng ngành dược năm nay

SSI Research nhận định tác động từ dịch Covid-19 sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí mang lại một số lợi ích tích cực. Với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi, trong khi các biến thể Covid mới có thể ít nguy hiểm hơn với tỷ lệ nhập viện thấp hơn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ sớm vượt qua mức trước dịch và tăng trưởng 13% trong năm nay. Chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Số lượt đến thăm khám tại bệnh viện cũng dự kiến hồi phục về mức bình thường và nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin (được sử dụng thường xuyên để điều trị các triệu chứng Covid-19 nhẹ). Đặc biệt, nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị Covid-19 (do Pfizer và MSD chuyển giao) và có thể sớm thương mại hóa trong năm nay.

Đơn vị ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức có thể tăng trưởng mạnh với giá các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men dự kiến tăng 4 - 6%. Việc tăng giá là tất yếu do các công ty dược phẩm đã phải ứng phó với việc giá nguyên liệu (API) tăng cao, trong khi các bệnh viện phải đối mặt với nhiều chi phí hoạt động đắt đỏ trong hai năm qua khi đại dịch bùng phát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
110.10 -0.80 (-0.72%)
48.30 +0.60 (+1.26%)
10.00 -0.20 (-1.96%)
78.10 -1.00 (-1.26%)
29.20 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả